Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

UEF gia nhập hệ thống các trường Đại học thế giới công nhận chương trình Tú tài quốc tế IB

Ngày 16/7 vừa qua, lãnh đạo của Tổ chức Tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate)khu vực châu Á đã có buổi làm việc với trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) nhằm kết nối các thí sinh tiềm năng có bằng Tú tài quốc tế vào học các chương trình Cử nhân tại UEF.
Được biết, chương trình Tú tài quốc tế IB là chương trình học toàn diện được xây dựng nhằm phát triển kĩ năng, cung cấp kiến thức cho học sinh trong độ tuổi từ 16 đến 19, từ đó tạo điều kiện cho họ theo học các chương trình quốc tế bậc đại học và sau đại học. Bằng Tú tài quốc tế được công nhận bởi hầu hết các quốc gia, được đánh giá cao bởi các trường đại học hàng đầu thế giới và được coi là một trong những bằng cấp “tiền đại học” danh giá nhất hiện nay, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu.

Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế
 TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế UEF đón tiếp và tặng quà lưu niệm cho đoàn lãnh đạo Tổ chức Tú tài quốc tế IB

Buổi làm việc về chương trình IB có sự tham gia của Bà Stefanie Leong - Tổng Giám đốc khu vực châu Á về Công nhận chương trình đào tạo, ông Faizol Musa - Giám đốc phát triển khu vực Đông Nam Á, Pakistan và Bangladesh, TS. Nguyễn Thị Quỳnh Lam - Đại diện tại Việt Nam; phía UEF có TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế và ThS. Huỳnh Tú Anh - Chuyên viên Hợp tác quốc tế. 

Tiếp đoàn Tú tài quốc tế
 Toàn cảnh buổi làm việc giữa hai bên

Tại chuyến thăm và làm việc, Bà Stefanie bày tỏ sự ấn tượng với mô hình quốc tế hóa, về mạng lưới đối tác công nhận chương trình rộng lớn và các chương trình du học tại chỗ liên kết Anh Quốc, Pháp, Thái Lan tại UEF. Bà tin rằng đây là tiền đề và nền tảng tốt để UEF có thêm nhiều sinh viên ngoại quốc chọn học. Việc công nhận chương trình IB tại UEF sẽ tiếp nâng cao vị thế và tô đậm tính quốc tế cho Nhà trường. Sinh viên nước ngoài khi ứng tuyển vào UEF có thể dùng văn bằng IB vào học trực tiếp mà không cần qua một hệ thống quy đổi đào tạo nào khác.
 

 Leong - Tổng Giám đốc khu vực châu Á về Công nhận chương trình đào tạo
Bà Stefanie Leong - Tổng Giám đốc khu vực châu Á về Công nhận chương trình đào tạo của IB đánh giá cao mô hình quốc tế hóa của UEF
 
Qua trao đổi, hai bên đã thống nhất các nội dung hợp tác cụ thể: Chương trình song ngữ UEF và chương trình liên kết Anh Quốc – cử nhân Đại học Gloucestershire sẽ công nhận học sinh từ nhiều nước trên thế giới tốt nghiệp với tấm bằng IB. Sinh viên tốt nghiệp với bằng Tú tài quốc tế IB sẽ được xem xét miễn các môn học tiếng Anh và các môn học đã được học trong chương trình IB. Do đó, sinh viên có thể tốt nghiệp Đại học với thời gian rút ngắn ưu việt.
Tiếp nối hàng loạt các chuyến thăm và bàn thảo hợp tác của lãnh đạo các trường đại học, tổ chức giáo dục trên thế giới, việc tham gia vào danh sách các trường đại học công nhận chương trình Tú tài quốc tế IB được xem là bước tiến mới trên hành trình quốc tế hóa giáo dục của UEF, khẳng định môi trường học tập chất lượng tại UEF là điểm đến lý tưởng cho nhiều thí sinh trong và ngoài nước chọn lựa theo học.

Đôi nét về bằng Tú tài quốc tế
The International Baccalaureate Diploma program – Chương trình Tú tài quốc tế là chương trình dành cho học sinh từ 16 đến 19 tuổi. Chương trình luôn được công nhận từ những trường đại học lớn trên thế giới. Học sinh tham gia chương trình này luôn có lợi thế hơn trong việc nhận học bổng, miễn giảm tín chỉ và yêu cầu tuyển sinh của các trường Đại học.
Các đại học danh tiếng trên thế giới như Yale University, Harvard University, McGill University, University of Melbourne,... sẵn sàng miễn giảm tín chỉ cho học sinh nếu đáp ứng được những yêu cầu về hoàn thành bằng Tú tài quốc tế.
Phần lớn các trường đại học lớn trên toàn thế giới đều chấp nhận bằng Tú tài quốc tế và có sự đánh giá cao tiềm năng đối với các học sinh này. Đối với học sinh IB, các em hiểu làm thế nào để nhìn nhận bản chất sự việc và học cách giải quyết các vấn đề thay vì chỉ đơn thuần tập trung vào đáp án. Học sinh được dạy trả lời câu hỏi "How?" (như thế nào?) và "Why?" (tại sao?) chứ không phải "What?" (cái gì?). Học IB là không có đáp án "đúng" hoặc "sai" mà chỉ có "hay" hoặc "dở". Điều này đồng nghĩa với việc học sinh sẽ có tính tư duy phản biện, nhạy bén, sự sáng tạo cao hơn. Đây cũng chính là điều mà các trường đại học tìm kiếm ở tân sinh viên của mình.

 
Tin: Trần Hà, Ảnh: Thái Sơn