Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Làm gì sau khi biết kết quả thi?

Câu hỏi này nếu đặt ra ở các năm trước thì sẽ bị coi là ngớ ngẩn nhưng năm nay lại hết sức quan trọng vì đây là lúc thí sinh sẽ quyết định chọn ngành, trường ĐH. Nếu không cẩn trọng, có khi thí sinh không vào được trường học như ý nguyện.

Theo dõi việc xét công nhận tốt nghiệp

Theo kế hoạch tuyển sinh, trước ngày 27.7 các sở GD-ĐT sẽ hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết sau khi biết kết quả thi, điều thí sinh (TS) cần lưu ý đầu tiên là theo dõi thông tin từ các sở GD-ĐT về việc xét công nhận tốt nghiệp trước khi tiến hành nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ.
 
Thí sinh cần thận trọng với những tổ hợp môn mới. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 
Cũng theo tiến sĩ Chính, chỉ những TS đỗ tốt nghiệp THPT mới được tham gia nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 1 - 20.8. Theo quy định, hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm: giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc, phiếu đăng ký xét tuyển và phong bì dán sẵn tem ghi rõ địa chỉ liên lạc. TS sẽ nhận giấy chứng nhận kết quả thi tại nơi đăng ký dự thi, còn phiếu đăng ký xét tuyển có thể in trực tiếp từ website các trường hoặc nhận trực tiếp tại trường.

Thận trọng tổ hợp môn mới

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, muốn có cơ hội trúng tuyển cao, TS nên căn cứ điểm thi cụ thể để chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất. Tuy nhiên, trước mắt nên chọn ngành theo sở thích. Đặt trường hợp ngành mình muốn học rơi vào tổ hợp môn có điểm cao nhất thì rất dễ dàng. Nhưng nếu ngành đó lại nằm ở tổ hợp môn có điểm không cao thì TS nên chọn ngành này ở các trường mọi năm có điểm chuẩn tương đương hoặc thấp hơn điểm của mình.

Cơ hội vào ĐH cho thí sinh thi cụm địa phương
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, vào thời điểm này, TS thi tại cụm thi địa phương vẫn có thể vào học tại các trường ĐH theo diện xét tuyển học bạ.
Theo đề án tuyển sinh riêng, có trường dành đến 50% chỉ tiêu để xét tuyển học bạ, tạo nhiều cơ hội cho TS. Ngoài ra, hầu hết các trường xét học bạ đều là trường ngoài công lập, điểm xét tuyển sẽ không căng thẳng hơn so với cách xét theo điểm thi THPT quốc gia.
Các ngành khối năng khiếu, ngoài việc xét 2 môn văn hóa theo học bạ THPT, ở môn năng khiếu, TS còn phải tham gia kỳ thi do các trường tổ chức hoặc nộp kết quả thi từ trường khác để xét tuyển.