Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Thí sinh cần hiểu rõ hơn ngành Quản trị kinh doanh khi chọn học

Ở nhóm ngành kinh tế, có thể nói Quản trị kinh doanh là một trong những ngành học được nhiều thí sinh ưu ái lựa chọn trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hàng năm. Tuy nhiên, việc các bạn còn chưa nắm rõ ngành học cũng phổ biến.
Vì vậy, trước khi đặt bút chọn học ngành Quản trị kinh doanh, các bạn nên biết rõ mình sẽ được học kiến thức gì? hiểu được quá trình đào tạo của ngành học, cần trang bị cho bản thân những yếu tố nào để có được cơ hội nghề nghiệp tốt nhất khi ra trường.
 
Thí sinh cần hiểu rõ về ngành nghề trước khi lựa chọn
 
Kiến thức trang bị tổng quát và chuyên sâu 
Theo học ngành Quản trị kinh doanh, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức nền tảng liên quan đến lĩnh vực kinh tế, thị trường  - môi trường kinh doanh thông qua các môn học như  Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Quản trị học,… để tạo bước đà cho việc đi sâu vào chuyên môn. Vào chuyên ngành, sinh viên được cung cấp kiến thức, kỹ năng về phân tích, dự đoán, quản lý và xây dựng kế hoạch, chiến lược trong kinh doanh bằng những môn học cụ thể liên quan như Kế toán quản trị, Quản trị marketing, Quản trị tài chính, Quản trị nhân sự, Quản trị chuỗi cung ứng… 
Tại một số trường dẫn đầu về đào tạo ngành Quản trị kinh doanh như Đại học Kinh tế Tp.HCM, Đại học Kinh tế -Tài chính Tp.HCM -UEF thì khối kiến thức chuyên sâu luôn được xây dựng, cập nhật liên tục theo xu hướng phát triển của nền kinh tế, thị trường kinh doanh trong và ngoài nước. Đặc biệt, tại UEF sinh viên được chú trọng kiến thức quản lý trong kinh doanh, tư duy hệ thống và kỹ năng thực hành nghề  trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức, công ty, tập đoàn kinh tế đa quốc gia. Đây cũng là một trong những hướng đào tạo thiên về quản lý trong ngành học Quản trị kinh doanh mà thí sinh có thể lựa chọn với mong muốn trở thành một nhà quản lý chuyên nghiệp sau này.
 
Ban tư vấn UEF giúp thí sinh có cái nhìn cụ thể hơn về các ngành đào tạo tại trường

Phong phú về chuyên ngành
Đối với ngành Quản trị kinh doanh, nhiều trường có những định hướng đào tạo chuyên ngành khác nhau để thí sinh chọn lựa. Các chuyên ngành thường được phân theo thế mạnh đào tạo của trường hoặc theo nhu cầu thị trường lao động. Phổ biến nhất là các chuyên ngành như quản trị doanh nghiệp, quản trị ngoại thương, quản trị nhân sự hay quản trị du lịch-khách sạn,…Mục tiêu chung vẫn là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội trong điều kiện thị trường kinh doanh luôn phát triển.
Từng chuyên ngành khác nhau sẽ cung cấp cái nhìn sâu sát, chi tiết về lĩnh vực cụ thể. Chọn quản trị doanh nghiệp, sinh viên sẽ am hiểu và thực hành tốt phương thức quản lý và điều hành doanh nghiệp và các chiến lược kinh doanh, điều chỉnh vấn đề tài chính, tiền tệ tại các công ty cơ sở. Theo học quản trị ngoại thương, sinh viên sẽ biết cách vận dụng kiến thức về kinh doanh quốc tế như xuất nhập khẩu, vận tải, và bảo hiểm quốc tế, thanh toán quốc tế, phân tích, đối sánh điểm khác biệt, tương đồng giữa các thị trường. Học chuyên ngành quản trị nhân sự giúp sinh viên thực hành tốt nghề nghiệp trong khâu quản lý yếu tố con người của một doanh nghiệp. Riêng chuyên ngành quản trị du lịch – khách sạn, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về quản lý các bộ phận trong khách sạn như buồng, sảnh, bếp,…trong du lịch như xây dựng, điều hành, lập chiến lược phát triển du lịch,...
Ngoại ngữ và kỹ năng không thể thiếu 
Một cử nhân Quản trị kinh doanh gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng là người vừa nắm vững kiến thức chuyên môn, vừa nhuần nhuyễn ngoại ngữ và sở hữu các kỹ năng vượt trội.
 
Sinh viên Quản trị kinh doanh UEF luôn tự tin với trình độ Anh ngữ vượt trội

Tại một số trường đại học, tiếng Anh được sử dụng là ngôn ngữ chính trong giảng dạy, học tập. Cụ thể như UEF, sinh viên được trang bị chương trình tiếng Anh cần thiết là tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh chuyên ngành. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại đây luôn tự tin về yếu tố ngoại ngữ. 
Về trang bị kỹ năng, một số trường có chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ chú trọng yếu tố này, thường sinh viên ngành quản trị kinh doanh sẽ được trang bị các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp – đàm phán, kỹ năng giải quyết tình huống kinh doanh,…Các kỹ năng này được đan xen trong chương trình đào tạo, trong các hoạt động của câu lạc bộ hoặc ngoại khóa, hoạt động đoàn, hoạt động thanh niên.
Tóm lại, việc chọn ngành Quản trị kinh doanh khi theo học để có cơ hội trở thành những nhà quản lý chuyên nghiệp hoàn toàn nằm trong tầm tay của thí sinh. Tuy nhiên, các bạn cũng nên tìm hiểu rõ ngành học, chọn trường đào tạo tin cậy, đặc biệt là có sự đầu tư đúng đắn trong suốt quá trình học để có khởi đầu nghề nghiệp như mong ước.

Trần Hà