Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Thi tuyển sinh ĐH đợt 2: Các cách làm hay đều có điểm

Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT có xu hướng ra đề thi các môn xã hội theo hướng mở, có tính thời sự, gắn liền với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Chấm thi như thế nào đối với những đề thi mở là vấn đề nhiều phụ huynh và thí sinh quan tâm.



Giám thị thông báo quy chế phòng thi cho thí sinh dự thi vàoTrường ĐH Khoa
học xã hội và nhân văn TP.HCM trong ngày làm thủ tục - Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Bùi Văn Ga (ảnh), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT xung quanh việc chấm thi trong đợt thi này.

Với những đề thi ra theo hướng mở nếu thí sinh (TS) có cách làm bài hay nhưng không nằm trong đáp án thì sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?

Từ kinh nghiệm ra đề thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH, CĐ trong các năm gần đây, Bộ tiếp tục chỉ đạo ban đề thi ra đề theo hướng mở. Điều này sẽ giúp TS tăng cường suy luận, tránh học vẹt, học tủ. Kiến thức trong đề thi sẽ trở thành kiến thức của TS để từ đó có thể ứng dụng vào cuộc sống.

Ngoài kinh nghiệm chấm của các trường, Bộ cũng sẽ có đáp án và hướng dẫn cụ thể cách chấm như thế nào. Nếu TS làm không đúng theo đáp án nhưng đó là một cách làm hay, không đi xa với yêu cầu của đề thi, cũng sẽ có điểm. Bộ đã có hướng dẫn cụ thể cho các trường chấm như thế nào đối với những trường hợp như vậy.

Thưa ông, kỳ tuyển sinh ĐH đợt 2 có nhiều môn thi, khối thi. Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ thay đổi thứ tự các môn thi. Vậy Bộ có lường trước việc nhầm lẫn về đề thi tại các hội đồng thi, nếu xảy ra tình trạng này, sẽ có phương án xử lý như thế nào?

Việc thay đổi thứ tự các môn thi xuất phát từ đề nghị của các trường, mục đích giúp cho TS nhẹ nhàng, không phải thi cả 2 môn tự luận trong cùng một ngày. Nhiều hội đồng thi đã quen với lịch thi nhiều năm trước nên cần hết sức lưu ý kẻo nhầm lẫn. Chưa kể đối với các hội đồng thi ở xa nơi in sao đề thi, phải nhận đề thi cho cả 2 môn, càng cần lưu ý kỹ.

Để hạn chế việc nhầm lẫn đề thi đến mức thấp nhất, quy trình mà Bộ yêu cầu có đến 3 công đoạn. Đầu tiên, nơi in sao đề thi kiểm tra kỹ rồi mới giao cho các trường. Sau đó, các trường lại phải kiểm tra một lần nữa mới giao đề thi cho giám thị. Trước khi đưa đề cho TS, giám thị cũng phải kiểm tra kỹ lưỡng một lần cuối cùng. Bộ yêu cầu khi mở túi đề, giám thị chỉ mở hé 1/3 đề thi trước xem có đúng môn thi không. Điều này rất quan trọng để tránh tình trạng nhầm đề thi, cũng như giám thị sẽ không biết được nội dung của đề thi nếu có nhầm lẫn. Nếu có sự cố xảy ra sẽ là sử dụng đề dự bị hoặc cô lập phòng thi có liên quan tùy vào mức độ xảy ra việc nhầm lẫn như thế nào.

Xin ông cho biết làm cách nào để Bộ xác định việc chấm thi ở các trường đảm bảo tính nghiêm túc?

Năm nay có một điểm mới trong việc chấm thi là Bộ yêu cầu tất cả các hội đồng thi phải chấm kiểm tra trước 5% số bài thi. Sau đó, Bộ sẽ chọn một số trường để chấm thẩm định trở lại số bài thi này. Các trường được chọn sẽ là những trường bị nghi ngờ hoặc có sai sót trong việc chấm thi từ các năm trước. Điều này giúp cho việc chấm thi chặt chẽ và hạn chế sai sót nhiều hơn. Sau khi chấm thẩm định xong, Bộ cũng sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn thanh tra trên cả nước để kiểm tra công tác chấm thi của các trường.

Sau khi nhận được kết quả thi, TS có nhu cầu phúc khảo bài thi sẽ thực hiện như thế nào?

Khi biết kết quả thi, nếu có nhu cầu phúc khảo, TS sẽ nộp đơn theo đúng lịch đã công bố trước đó (trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày trường công bố điểm thi - PV).



Đăng Nguyên (thực hiện)
Theo Thanh Niên Online ngày 09/07/2013