Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

UEF: Ấm áp ngày Xuân họp mặt

Sáng 26/2/2015 (tức mùng 8 Tết âm lịch), toàn thể Cán bộ - Giảng viên – Nhân viên trường Đại học Kinh tế Tài chính Tp.HCM – UEF đã có buổi họp mặt đầu xuân Ất Mùi ấm áp và rộn ràng tại Hội trường lầu 16.
Trong không khí vui tươi, rộn rã những ngày đầu xuân, PGS.TS. Ngô Cao Cường – Phó Hiệu trưởng thường trực UEF đã gửi lời chúc mừng năm mới tràn đầy sức khoẻ và thành công đến tập thể Cán bộ - Giảng viên - Nhân viên UEF. 
 PGS.TS. Ngô Cao Cường – Phó Hiệu trưởng thường trực gửi lời chúc mừng năm mới đến tập thể quý thầy/cô UEF
Đặc biệt, với dấu mốc kỷ niệm 8 năm thành lập trường, PGS.TS. Ngô Cao Cường cũng đã thay mặt lãnh đạo UEF đề ra các mục tiêu hành động cụ thể nhằm hoàn thành tốt sứ mệnh đào tạo của trường là xây dựng thành công môi trường đại học chuẩn quốc tế chất lượng cao. Trong đó, tập thể UEF cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, sẻ chia, không ngừng học hỏi giữa các phòng, ban, đơn vị, đây chính là những yếu tố quan trọng để đưa UEF phát triển bền vững.
 

Ban Giám hiệu gửi những phong bao lì xì may mắn
đến các thầy/ cô thuộc Phòng, Khoa, Viện, Trung tâm

Lãnh đạo và tập thể các Phòng, Khoa, Viện, Trung tâm cũng đã thăm hỏi và chúc tết lẫn nhau


Tập thể Cán bộ - Giảng viên – Nhân viên UEF chụp ảnh lưu niệm tại buổi họp mặt

Quý Thầy cô có thể xem và download những hình ảnh đáng nhớ của buổi họp mặt tại đây

Tin: Trần Hà - Ảnh: Dự Tây – CTV

Bộ GD- ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia

TTO - Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy áp dụng cho năm 2015. 
 
Học sinh lớp 12A15 trường THPT Nguyễn Thái Bình quận Tân Bình TPHCM đang đăng ký môn thi tốt nghiệp năm 2015 - Ảnh: NHƯ HÙNG
 
Hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký dự thi: 30-4
Quy chế của Kỳ thi THPT quốc gia quy định cụ thể về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, đối tượng và điều kiện dự thi, tổ chức đăng ký dự thi, trách nhiệm của thí sinh, công tác đề thi, tổ chức coi thi, tổ chức chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT...
Còn Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy quy định về việc tổ chức tuyển sinh, điều kiện tham gia tuyển sinh của thí sinh, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, nhiệm vụ và quyền hạn của trường trong công tác tuyển sinh…
Bộ GD-ĐT quy định hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi sẽ kết thúc trước ngày 30- 4 hằng năm.
Với các trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi, căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường, đảm bảo điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường dự bị ĐH được phân về trường), hội đồng tuyển sinh xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Nhà trường có trách nhiệm cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia, ba ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh ĐKXT xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp.
Học sinh lớp 12 và học sinh đã tốt nghiệp THPT năm trước thi khác nhau thế nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết kỳ thi THPT quốc gia sẽ có ba đối tượng thí sinh tham gia dự thi:
1) Thí sinh sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ.
2) Thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
3) Thí sinh chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thuộc đối tượng thứ nhất và thứ hai sẽ dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các cụm thi này phục vụ cho thí sinh ít nhất hai tỉnh.
Thí sinh thuộc đối tượng thứ ba sẽ thi tại trường THPT đang học hay cụm các trường THPT do sở GD-ĐT chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH.
Những địa phương rất đặc thù ở những vùng đặc biệt khó khăn, Bộ GD-ĐT đã và sẽ làm việc với các Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên cùng với các địa phương trong vùng để bàn bạc thống nhất việc bố trí cụm thi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Tại Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT tổ chức thi tám môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Như vậy, với nhóm thí sinh thứ ba chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT sẽ phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.
Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được giám đốc sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Với nhóm đối tượng thứ hai, để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước chỉ cần đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.
Riêng với đối tượng thứ nhất, để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh ngoài dự thi bốn môn để xét tốt nghiệp THPT như nhóm đối tượng thứ ba, sẽ phải đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.
Trong quy chế, Bộ GD-ĐT chưa quy định cụ thể ngày thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi. Lịch thi, hình thức thi, thời gian làm bài thi của mỗi môn thi được quy định trong hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ GD-ĐT.
Khối thi nào cũng phải có môn Toán hoặc Ngữ văn
Đây là quy định đặt ra trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2015.
Theo đó, bộ GD-ĐT cho phép các trường có thể bổ sung thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển.
Các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo, không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Các trường, ngành năng khiếu có thể sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Theo thứ trưởng Ga, trong đợt xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường.
Nếu không trúng tuyển nguyện vọng I, thí sinh có quyền dùng ba giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để đăng kí xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng nhận kết quả thi này có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường.
Thí sinh có thể tham khảo chi tiết nội dung Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy TẠI ĐÂY và Quy chế kỳ thi THPT quốc gia TẠI ĐÂY .
 
Ngọc Hà - Tuổi trẻ Online

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Kỳ thi THPT quốc gia: Đề thi không phân định phần xét tốt nghiệp và tuyển sinh

Trước khi Bộ GD-ĐT công bố chính thức Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Thanh Niên xung quanh những thay đổi quan trọng về kỳ thi này.

Nội dung thi, đề thi chưa thay đổi nhiều
* Theo ông, những điểm mới trong Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi và trách nhiệm của thí sinh (TS)?
 - Rõ ràng áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều đối với TS, gia đình và xã hội. Thay vì phải thi 4 kỳ (1 kỳ thi THPT, 2 kỳ thi ĐH và 1 kỳ thi CĐ) như trước đây, nay TS chỉ thi 1 kỳ thi với 2 mục đích. TS chỉ cần thi tại cụm thi ở địa phương đang cư trú hay địa phương lân cận, không phải đi xa. Quy trình đăng ký xét tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp cho TS tránh được rủi ro khi có kết quả thi cao nhưng vẫn trượt như trước đây.
 Việc tăng số tổ hợp các môn xét tuyển cũng như cho phép TS đăng ký 4 nguyện vọng với mỗi giấy báo kết quả thi vào các ngành/nhóm ngành giúp TS có nhiều sự lựa chọn để thể hiện năng lực sở trường của mình. Tất cả những đổi mới này đều nhằm tạo thuận lợi tối đa cho TS. Nội dung thi, đề thi chưa có thay đổi gì nhiều nên không ảnh hưởng đến cách học và sự chuẩn bị của TS từ trước.
 
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014 trao đổi về đề thi môn tiếng Anh Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014 trao đổi về đề thi môn tiếng Anh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

* Điều mà TS quan tâm là với kỳ thi có hai mục đích như kỳ thi THPT quốc gia 2015, cấu trúc đề thi sẽ được ra theo hướng nào? Bộ có phân định phần đề nào dành cho xét tốt nghiệp THPT và phần đề nào để tuyển sinh ĐH, CĐ không?
 - Về lâu dài đề thi sẽ được thiết kế theo hướng tích hợp để đánh giá năng lực của TS. Việc này liên quan đến đổi mới cách dạy, cách học ở phổ thông. Do đó, trong những năm trước mắt đề thi cơ bản không thay đổi gì nhiều so với những năm gần đây. Những kinh nghiệm tốt trong cách ra đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm vừa rồi như đề thi dạng mở, tăng cường hướng ứng dụng, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng máy móc sẽ được áp dụng trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh. Đề thi sẽ không có sự phân định rạch ròi phần để xét tốt nghiệp THPT, phần để tuyển sinh ĐH, CĐ.
 Hai loại cụm thi cho 3 đối tượng thí sinh
* Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức bao nhiêu cụm thi liên tỉnh? Những cụm thi này được thành lập dựa trên nguyên tắc nào khi mà trên thực tế tỉnh nào cũng mong muốn cụm thi đóng ở gần để TS đi lại thuận tiện hơn? TS có được quyền lựa chọn và thay đổi cụm thi phù hợp với điều kiện của mình hay không?
- Kỳ thi THPT quốc gia có 3 đối tượng TS tham gia dự thi: TS sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ; TS đã có bằng tốt nghiệp THPT chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển và TS chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT. TS thuộc đối tượng thứ nhất và thứ hai sẽ dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các cụm thi này phục vụ cho TS ít nhất 2 tỉnh, được xác định dựa trên cơ sở thống kê số lượng TS hằng năm cũng như có trường ĐH đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chủ trì cụm thi. TS thuộc đối tượng thứ ba sẽ thi tại trường THPT đang học hay cụm các trường THPT do sở GD-ĐT chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH được xác định trên nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho TS.
Bộ đã làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và sẽ tiếp tục làm việc với Ban Chỉ đạo Tây nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng với các địa phương trong vùng để bàn bạc thống nhất việc bố trí cụm thi tại những vùng khó khăn. Những TS sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa dùng để xét tuyển ĐH, CĐ cần phải đăng ký thi tại các cụm thi quy định để tránh quá tải ở một số cụm thi.
Tạo thêm nhiều cơ hội để HS trúng tuyển vào ĐH, CĐ
* Năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ông có lời khuyên gì đối với TS và các cơ sở giáo dục để tránh tâm lý hoang mang và lo lắng?
- Như đã nói, tất cả những đổi mới trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đều giúp làm giảm nhẹ áp lực đối với TS, tạo thêm nhiều cơ hội để các em trúng tuyển vào trường mà các em yêu thích, giảm tối đa các rủi ro như quy định về cụm thi, xét tuyển, đề án tự chủ tuyển sinh của các trường... Những thay đổi ảnh hưởng đến cách dạy, cách học ở phổ thông, kế hoạch ôn tập của TS từ trước đều phải thực hiện theo lộ trình để TS có thời gian chuẩn bị. Ví dụ quy định về xác định tổ hợp các môn xét tuyển vẫn duy trì tổ hợp các môn truyền thống, các môn thi, đề thi theo hướng mở... được đổi mới từng bước để TS quen dần. Khi thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, cách dạy, cách học được đổi mới căn bản theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh thay cho việc cung cấp kiến thức là chính như hiện nay thì cách thi cũng sẽ thay đổi căn bản. Vì vậy các TS chuẩn bị thi năm nay yên tâm, chuẩn bị ôn tập theo chương trình phổ thông đã học để tham gia thi đạt kết quả tốt, không có gì băn khoăn, lo lắng cả.
 
Những điểm đổi mới trong kỳ thi

1. TS chỉ thi 1 kỳ thi duy nhất (kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia) để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

2. TS sẽ thi tại các cụm thi liên tỉnh nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả thi với 2 mục đích hoặc thi tại cụm thi ở địa phương nếu chỉ sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT.

3. TS nộp đơn xét tuyển vào các trường sau khi đã có kết quả thi.

4. Quy trình xét tuyển như sau: Đợt đầu tiên TS chỉ được đăng ký xét tuyển vào 1 trường với 4 nguyện vọng thuộc ngành/nhóm ngành của trường, trong các đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo TS có thể sử dụng cùng lúc 3 giấy chứng nhận kết quả thi, mỗi giấy được xét tuyển vào 4 nguyện vọng của một trường. Ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, các trường có thể tuyển sinh theo đề án tự chủ tuyển sinh đã công bố.

5. Về tổ hợp các môn xét tuyển, các trường có thể công bố tối đa 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, trong đó phải duy trì các khối thi truyền thống và chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các khối thi này chiếm ít nhất 75% tổng chỉ tiêu của ngành. Trên cơ sở tổ hợp các môn xét tuyển mà các trường đã công bố, TS chọn các môn thi phù hợp bên cạnh các môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT.
 
Tuệ Nguyễn - Thanh niên Online

Lặng lẽ vun đắp mầm xanh

Chúng tôi, những thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được sự dìu dắt tận tình của thầy Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán TPHCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM nên mỗi khi có dịp họp mặt, nhắc đến thầy, ai cũng tỏ lòng kính trọng và cảm mến sâu sắc về nhân cách, đức độ, tài năng của thầy. Những học trò của thầy, phần lớn đã thành đạt trên mọi cương vị công tác. Một số người nay đã đảm nhiệm những vị trí quan trọng ở các cơ quan trung ương và địa phương. 
Thầy Nguyễn Thanh Tuyền sinh ra tại Trà Vinh, trưởng thành qua sự đùm bọc của đồng bào miền Bắc ruột thịt. Bởi vậy, dường như thầy đã chắt lọc được những tinh túy nhất của ba miền trong hình thành tính cách của mình. 
Năm 1971, thầy được cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ) và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ kinh tế vào đầu năm 1976. Cũng như tất cả những người con miền Nam học tập ở Liên Xô, tin vui đất nước hoàn toàn giải phóng đã thôi thúc thầy mong muốn sớm được trở về quê hương để cống hiến. Rồi ước mơ đó thành hiện thực.
Ngay sau đó, thầy quyến luyến giã từ mái Trường ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội thân yêu, nơi thầy học tập và giảng dạy để nhận nhiệm vụ mới. Thầy và một số đồng nghiệp được cử về xây dựng Trường ĐH Tài chính - Kế toán TPHCM. Lúc bấy giờ, thầy còn trẻ, đầy nhiệt huyết và sẵn sàng nhận tất cả những nhiệm vụ khó khăn. Đồng nghiệp đều nhận thấy ở thầy tư chất của một người sẽ thành đạt trong tương lai.
Thật vậy, 6 năm sau, thầy là phó hiệu trưởng và hơn 10 năm sau, thầy là Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán TPHCM. Đến năm 1996, thầy trở thành Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM (sáp nhập Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Tài chính - Kế toán TPHCM và Khoa Kinh tế Trường ĐH Tổng hợp TPHCM).
Ở thời điểm nhạy cảm đó, không thể không nảy sinh những quyền lợi cục bộ nhưng phức tạp, những tâm tư tình cảm “trắc ẩn” dễ gây mất ổn định. Với thái độ bình tĩnh, công tâm, kiên quyết nhưng ôn hòa và nhạy bén, thầy thuyết phục giáo chức và nhân viên bằng phương châm “ổn định để phát triển và phát triển cao hơn”. Đồng thời với bản lĩnh và đức độ, với tấm lòng không vì mối lợi riêng tư; cùng sự chân tình, khéo léo, chỉ sau một thời gian ngắn, trường đã đi vào hoạt động ổn định với sức thuyết phục và sự đồng cảm của cả một tập thể.
Thầy thường nói nghề giáo như một định mệnh của cuộc đời bởi từ nhỏ chưa bao giờ thầy nghĩ đến nó. Từ thời niên thiếu, thầy luôn thích những nơi nhiều thử thách, gian nan. Trong kháng chiến chống Mỹ, thầy chỉ mong được đi B, trở về quê hương chiến đấu. Vì vậy, khi còn là học sinh miền Nam và mới học hết lớp 7 (cấp II), thầy xin vào trường công an (C500 Hà Đông) nhưng không được. Tốt nghiệp phổ thông (lớp 10), thầy xin vào học Trường Trung cấp Hàng hải (Hải Phòng) với mong muốn được theo đường Hồ Chí Minh trên biển về Nam trực tiếp tham gia chiến đấu. Mong muốn này cũng không thành. Dù vậy, thầy vẫn không từ bỏ ý nguyện được về Nam chiến đấu của mình.
Sau đó rất nhiều lần, đích thân thầy đã tìm đến những cán bộ lãnh đạo của Ban Thống nhất Trung ương trình bày nguyện vọng. Nhưng rồi lần nào cũng vậy, thầy chỉ nhận được những lời khuyên là học tập ở miền Bắc cũng là để xây dựng miền Nam mai sau. Thế rồi, ngay sau khi tốt nghiệp loại giỏi khóa đầu tiên Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán - Ngân hàng Trung ương (tiền thân ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội, nay là Học viện Tài chính), thầy được yêu cầu ở lại trường để làm giáo viên. Và từ đó, thầy gắn bó, nỗ lực và tận tụy hết lòng với sứ mạng của một người thầy. 
Là nhà giáo tâm huyết và có năng lực thật sự, thầy vừa tạo được uy tín sâu rộng trong đồng nghiệp về năng lực chuyên môn, vừa thể hiện rất tốt vai trò của người lãnh đạo. Trong các hội thảo và tranh luận khoa học, ý kiến của thầy luôn có sức thuyết phục cao bởi tư duy khoa học khá chuẩn mực. Trong công tác lãnh đạo, thầy vừa có tầm nhìn sâu rộng nhưng cũng vừa rất sâu sát trong “tác nghiệp”. Các bài phát biểu của thầy trước mọi người đều do thầy tự tay soạn thảo bởi thầy không thích lối mòn, sách vở, phô trương mà thích sự đơn giản, gần gũi. Nhiều đồng nghiệp nhận xét có những vấn đề học thuật và thực tiễn hết sức khô khan nhưng các phát biểu của thầy đều vẫn rất đặc biệt bởi có sức truyền cảm sâu lắng.

 
Thầy Nguyễn Thanh Tuyền (hàng ngồi, bìa trái) cùng các thành viên Hội đồng học hàm giáo sư liên ngành kinh tế - luật
 
Thầy là người có tấm lòng nhân ái và trắc ẩn. Trong công tác xã hội nhân đạo, với những đề xuất của thầy, Trường ĐH Tài chính - Kế toán và sau này là Trường ĐH Kinh tế TPHCM là trường đầu tiên tại TP xây dựng 30 nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thầy trực tiếp dẫn các đoàn tham gia hỗ trợ tích cực đồng bào bị lũ lụt ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam… và đóng góp hỗ trợ các em bị nhiễm chất độc da cam ở Thái Bình. Thầy cũng luôn cảm thông với sinh viên nghèo.
Mỗi khi đọc báo biết được những sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TPHCM có hoàn cảnh khó khăn, thầy đều bàn bạc, tìm cách giúp đỡ bằng việc miễn hoặc giảm học phí cho các em. Đôi lần có những sinh viên nghèo, xin miễn học phí nhưng do không thể vận dụng được bởi quy chế, thầy đã tự bỏ tiền túi ra giúp đỡ và khuyên các em cố gắng vượt khó theo học đến cùng. Thầy nhiều lần tận tình, chân thành và hết lòng gợi mở, tạo cơ hội cho nhiều cựu sinh viên cũng như học viên cao học, nghiên cứu sinh có điều kiện thành đạt trong sự nghiệp.
Năng lực và uy tín khoa học, giảng dạy của thầy đã giúp thầy hoàn thành 12 quyển sách giáo trình, chuyên khảo và tham khảo, chủ nhiệm 2 đề tài cấp nhà nước được đánh giá xuất sắc và tham gia với tư cách cố vấn 2 đề tài cấp nhà nước cũng với kết quả như trên. Thầy còn có 7 đề tài cấp bộ, trên 70 bài báo đăng tải ở các tạp chí trong và ngoài nước cũng như trong các cuộc hội thảo lớn có uy tín. Sau 40 năm dạy học, thầy đã hướng dẫn bảo vệ thành công 32 học vị tiến sĩ, hàng trăm luận văn thạc sĩ. 
Hầu như mọi đồng nghiệp đều có nhận xét chung: thầy là người lặng lẽ vun đắp cho mầm xanh. Thầy là mẫu người làm nhiều và làm hết mình nhưng ít nói về mình và được đồng nghiệp tín nhiệm. 
Thầy sống đức độ và công tâm. Chính vì vậy, thầy cũng thường nhắc nhở đồng nghiệp: “Giá trị đạo đức và công tâm là một năng lực đặc biệt”. Với sự cống hiến của mình cho sự nghiệp giáo dục, năm 1991 thầy được công nhận học hàm phó giáo sư, năm 1996 được phong hàm giáo sư ngành kinh tế và năm 2006 được phong tặng Nhà giáo nhân dân. Năm 2001, thầy được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, ngoài ra còn có các huy hiệu về sự nghiệp giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính, sự nghiệp công đoàn, vì thế hệ trẻ, ngành tổ chức…
Hơn 40 năm gắn bó hết lòng với sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy, thầy đã để lại trong lòng của tất cả chúng tôi những ấn tượng sâu sắc khó phai như một nhân cách lớn của một người thầy mẫu mực suốt đời không ngừng nỗ lực lao động sáng tạo, cống hiến tận tụy thầm lặng. Từ chỗ không hề lựa chọn cho mình nghiệp làm thầy, thầy đã nguyện suốt đời gắn bó với sự nghiệp trồng người. Chính vì vậy, sau khi rời ĐH Kinh tế TPHCM, thầy lại tiếp tục gắn bó và trải qua các vị trí trọng trách ở các trường ĐH Tây Đô - Cần Thơ, rồi Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM. Với uy tín, đức độ, năng lực của thầy, một số trường ngoài công lập cũng ngỏ ý mời thầy cộng tác.
Chúng tôi nghĩ rằng, những danh hiệu cao quý trên, chỉ là sự ghi nhận một phần nhỏ nào đó trong cuộc đời và sự nghiệp cống hiến thầm lặng của thầy. Điều mà thầy đã đem lại ấn tượng sâu sắc cho đồng nghiệp, gia đình và bao thế hệ sinh viên là tài năng, đức độ, nhân cách, trách nhiệm, chân tình và sự đồng cảm… Bài học ấy không có tấm huy chương huy hiệu nào có thể sánh được.

 
Tác giả: TS NGUYỄN HUỲNH THANH - TS NGUYỄN HỮU THẢO 
Nguồn: SGGP Online

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

UEF tổ chức thành công Hội nghị viên chức năm 2015

Chiều 10/2/2015, tại Hội trường (Lầu 16) 276 Điện Biên Phủ, P.17, Q. Bình Thạnh, trường Đại học Kinh tế Tài chính Tp.HCM – UEF đã tổ chức Hội nghị viên chức năm 2015.
Tham dự  hội nghị có TS. Lưu Đức Tiến – Phó Phòng Chuyên nghiệp & Đại học, Sở GD&ĐT Tp.HCM, TS.Võ Thị Hiệp –thành viên sáng lập UEF, Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu cùng  toàn thể viên chức trong toàn trường.
Mở đầu hội nghị là các tiết mục văn nghệ ngập tràn hương sắc mùa xuân
 NGND.GS.TS Nguyễn Thanh Tuyền – Bí thư chi ủy, Hiệu trưởng nhà trường
phát biểu khai mạc hội nghị
Tại hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Giang – Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng đã trình bày báo cáo tổng kết năm học 2013 - 2014 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2014 – 2015 của UEF.
Trong năm qua, nhà trường đã thực hiện tốt phương hướng nhiệm vụ được thể hiện qua một số kết quả đáng ghi nhận như: thực hiện tốt cải tiến công tác quản lý, kiện toàn cơ sở vật chất; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo chất lượng cao; công tác quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện tốt công tác đoàn thể...
 TS. Nguyễn Thanh Giang – Phó Hiệu trưởng nhà trường trình bày báo cáo,
phương hướng năm học mới

Trong năm học mới, UEF tiếp tục phát triển mô hình đào tạo chất lượng cao, đẩy mạnh phong trào thi đua, tăng cường nghiên cứu khoa học, tập trung đầu tư cho dự án Nam Sài Gòn. Đây là dự án mang tính chiến lược trong giai đoạn tới của UEF. Với mục tiêu xây dựng môi trường học tập hiện đại, chuẩn quốc tế cùng cơ sở giảng dạy, học tập khang trang nhất, dự án Nam Sài Gòn hứa hẹn sẽ là môi trường học tập hiện đại bậc nhất tại Tp.HCM khi dưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, lãnh đạo UEF cũng xác định công tác chăm lo phúc lợi cho các giáo chức, nhân viên nhà trường cũng là mục tiêu cần đẩy mạnh để các thầy cô an tâm cuộc sống, cống hiến hết mình cho sự phát triển chung của UEF.
Với sự nhất trí cao, 100% cán bộ, viên chức đã biểu quyết thống nhất các chỉ tiêu hội nghị đề ra và thông qua Nghị quyết của hội nghị.
Tại Hội nghị, nhà trường cũng đã tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt trong những năm học vừa qua.
Lãnh đạo UEF tặng giấy khen cho các cá nhân, tập thể xuất sắc
trong năm học vừa qua
Với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực và phấn đấu của toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường, UEF đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Trong năm học 2014 – 2015, tinh thần ấy tiếp tục được giữ vững, phát huy nhằm đưa UEF phát triển mạnh mẽ, bền vững, thực hiện xuất sắc sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khẳng định thế mạnh đào tạo của UEF trong xu thế hội nhập.
Tin: Trần Hà - Ảnh: Dự Tây, Phú Quang

Tố chất cần thiết để học ngành Quan hệ công chúng?

Quan hệ công chúng hay còn gọi là PR được xem là cầu nối giữa tổ chức, doanh nghiệp với cộng đồng, khách hàng, nhà đầu tư... trong toàn bộ hoạt động và chiến lược phát triển. Xã hội phát triển như hiện nay, ngành Quan hệ công chúng ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ theo đuổi. 
Trước khi quyết định gắn bản thân với lĩnh vực nghề nghiệp này, bạn phải xác định rõ mình có phù hợp với ngành Quan hệ công chúng không? Bản thân cần có những tố chất nào để học tốt ngành Quan hệ công chúng?
1.  Khả năng giao tiếp: biểu hiện tốt cả khi nói và viết. Đây là tố chất quan trọng hàng đầu của người làm công tác PR, đó là sự tự tin trước đám đông, quyết đoán khi đàm phán, linh hoạt khi trao đổi công việc; khả năng viết lách nhuần nhuyễn, giàu sức thuyết phục, quảng bá tốt. Dựa vào khả năng này, bạn dễ dàng xây dựng những mối quan hệ tin cậy với đối tác, khách hàng hiện tại và tiềm năng.
 
Khả năng ngoại ngữ là một lợi thế giúp bạn nổi bật ở vị trí PR chuyên nghiệp

2. Kiến thức xã hội sâu rộng: để trở thành một người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực Quan hệ công chúng, đòi hỏi bạn phải có vốn kiến thức xã hội phong phú. Công việc của người làm PR bao gồm cả tư vấn chiến lược, sáng tạo những phương thức hoạt động cả trong kinh doanh và các hoạt động mang tính cộng đồng khác một cách hiệu quả. Do đó, việc am hiểu sâu rộng các lĩnh vực của đời sống là một yêu cầu tất yếu.
3. Khả năng quan sát, phán đoán và xử lý vấn đề tốt: giúp bạn đón đầu được những thay đổi cũng như dự đoán xu hướng của vấn đề, dễ dàng giải quyết mọi tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức công việc. Vì vậy, yếu tố tổ chức cũng được xem trọng khi chọn học ngành Quan hệ công chúng.
4. Trình độ ngoại ngữ và tin học: trong thời đại công nghệ thông tin và giao thương quốc tế mạnh mẽ, khả năng ngoại ngữ, tin học chính là một lợi thế giúp bạn trở thành một ứng viên sáng giá cho vị trí PR chuyên nghiệp. Về khả năng này, bạn sẽ được chú trọng đào tạo trong môi trường học tập mà mình chọn lựa.
5. Không bỏ qua việc chăm chút cho ngoại hình: một vẻ ngoài lịch thiệp, trang nhã luôn tạo độ tin cậy và sức hút trong giao tiếp đối với một người muốn gắn bó với ngành Quan hệ công chúng lâu dài cùng đam mê thành công trong nghề này.
Ngoài các tố chất trên, ngành Quan hệ công chúng cũng cần sự năng động, sôi nổi, nhiết huyết. Nếu bạn nhận thấy bản thân đã có đầy đủ tố chất ngành Quan hệ công chúng yêu cầu cứ mạnh dạn đăng ký chọn cho mình một trường đào tạo phù hợp để đảm bảo một tương lai nghề nghiệp vững chắc trong lĩnh vực công việc đầy tính mới mẻ, cuốn hút này. 
Thông tin chi tiết tại đây.

Để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết, thí sinh liên hệ:
 
Văn phòng Tư vấn tuyển sinh
Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM – UEF

 
Địa chỉ: 276 Điện Biên Phủ, P.17, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM
 
ĐT: (08) 5422 5555 - Hotline: 094 998 1717
 
Website: www.uef.edu.vn
Bài: Trần Hà

Học ngành Ngôn ngữ Anh ra làm gì?

Sở hữu tốt một ngoại ngữ sẽ mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh cao trong công việc, nếu ngoại ngữ đó là tiếng Anh thì cơ hội tìm cho bản thân một nghề nghiệp toàn cầu hoàn toàn trong tầm tay.
Trong xu thế hội nhập, ngành Ngôn ngữ Anh trở thành công cụ đắt giá trong công việc. Vì vậy, học ngành Ngôn ngữ Anh ra trường làm gì? Ngành Ngôn ngữ Anh nên chọn công việc nào phù hợp?... Câu trả lời sẽ giúp bạn định hình rõ hơn tương lai nghề nghiệp của mình khi theo học ngành này.
Lĩnh vực việc làm của ngành Ngôn ngữ Anh cho bạn nhiều lựa chọn hấp dẫn vì bạn có thể:
-    Trở thành chuyên viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, đối ngoại, xuất nhập khẩu, ngân hàng thương mại,...
-    Làm chuyên viên biên – phiên dịch cho các hãng thông tấn, báo chí, bộ phận ngoại giao, quan hệ quốc tế
-    Giảng dạy trong các trường đại học, viện ngôn ngữ, trung tâm ngoại ngữ
Tại UEF, các CLB học thuật ngành Ngôn ngữ Anh được chú trọng phát triển
Để thành công với những công việc trên đòi hỏi bạn phải lựa chọn cho bản thân một chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh uy tín ở các trường đại học, cao đẳng phù hợp như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM, Đại học Sài Gòn, Đại học Kinh tế Tài chính, Đại học HUTECH, Đại học Ngân hàng... Có như vậy, bằng Cử nhân ngành ngôn ngữ Anh của bạn mới phát huy hết tác dụng trong lĩnh vực nghề nghiệp. Và như vậy, nỗi băn khoăn  tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh sẽ làm gì và làm việc ở đâu không tồn tại trong ý niệm của bạn. 
Thông tin chi tiết tại đây.

Để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết thí sinh vui lòng liên hệ:
Văn phòng Tư vấn tuyển sinh
Trườn Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM – UEF

Địa chỉ: 276 Điện Biên Phủ, P.17, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM
ĐT: (08) 5422 5555 - Hotline: 094 998 1717
Website: www.uef.edu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/uef.edu.vn
                                                                                                                                             Bài: Trần Hà

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Ngành Tài chính ngân hàng xét tuyển những môn học nào?

Hàng năm, ngành Tài chính ngân hàng là một trong những ngành học nhận được sự quan tâm của đông đảo thí sinh trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng. 
Năm 2015, với những thay đổi trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, thí sinh có nhiều cơ hội chọn học ngành Tài chính ngân hàng ở các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần biết rõ ngành Tài chính ngân hàng xét tuyển những môn học nào? Những trường nào đã công bốtổ hợp môn xét tuyển ngành Tài chính ngân hàngĐiểm trúng tuyển vào ngành Tài chính ngân hàng của các trường ra sao? 
 
Thí sinh quan tâm ngành Tài chính ngân hàng xét tuyển những môn học nào 

1. Đối với trường Đại học Kinh tế TP.HCM xét tuyển ngành Tài chính ngân hàng với ba tổ hợp môn: Toán – Lý – Tiếng Anh, Toán – Văn – Tiếng Anh, Toán – Lý Hóa dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
2. Riêng Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF), năm 2015 xét tuyển ngành Tài chính ngân hàng bằng những tổ hợp môn: Toán – Lý – Hóa, Toán – Lý – Tiếng Anh, Văn – Toán – Tiếng Anh. Ngoài xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, UEF còn xét tuyển ngành Tài chính ngân hàng theo học bạ THPT.
3. Ở Đại học Kinh tế Luật – ĐHQG TP.HCM xét tuyển ngành Tài chính ngân hàng dựa vào điểm thi của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia với các tổ hợp môn Toán - Lý – Hóa, Văn – Toán – Tiếng Anh, Toán – Lý – Anh.
4. Bên cạnh đó, trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) lại tuyển sinh ngành Tài chính ngân hàng với 4 tổ hợp môn: Toán – Lý – Hóa, Toán – Lý – Tiếng Anh, Văn – Toán – Tiếng Anh, Toán – Hóa – Tiếng Anh theo hai phương thức: xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển bằng học bạ THPT.
5. Trường Đại học Ngân hàng xét tuyển ngành Tài chính ngân hàng với các tổ hợp môn Văn -Toán - Tiếng Anh, Toán – Lý - Hóa, Toán – Lý – Tiếng Anh thông qua kết quả kỳ thi THPT quốc gia và chỉ xét tuyển thí sinh ở cụm thi do các trường ĐH, CĐ tổ chức.
6. Đại học Thương mại thì giới hạn xét tuyển trong một tổ hợp môn duy nhất: Toán – Văn – Tiếng Anh.
Để lựa chọn học ngành Tài chính ngân hàng phù hợp với năng lực bản thân, thí sinh cũng cần chú ý tham khảo thêm điểm trúng tuyển ngành Tài chính ngân hàng của các trường nói trên ở những năm trước. Năm 2014, điểm trúng tuyển ngành Tài chính ngân hàng của trường Đại học Kinh tế TP.HCM là 21 điểm; Trường Đại học Kinh tế - Luật ở mức 19,75. 18 điểm là điểm trúng tuyển của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM. Trường Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) và Đại học Công nghệ (HUTECH) có mức điểm trúng tuyển ngành Tài chính ngân hàng là 13 đối với đại học và 10 điểm đối với cao đẳng.
 
Trần Hà

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Xuân tình nguyện UEF: Sẻ chia yêu thương, chung tay đón Tết

Ngày 01/2/2015, các thành viên Câu lạc bộ Môi trường và Con người (P&E) trường Đại học Kinh tế Tài chính Tp.HCM - UEF đã khởi động chiến dịch Xuân tình nguyện 2015 với các hoạt động thiện nguyện, chăm lo Tết cho các em thiếu nhi mồ côi tại tịnh thất Linh Sơn (Quận 12) và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xung quanh trường. 
Đây là một trong nhiều hoạt động tình nguyện ý nghĩa của sinh viên UEF nói chung và của thành viên câu lạc bộ P&E nói riêng. Với tinh thần vì cộng đồng, các thành viên câu lạc bộ liên tục có nhiều hoạt động sẻ chia thiết thực. Trước đó, các bạn đã thực hiện hoạt động “Giáng sinh tình nguyện” cho đồng bào M’Nông tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông bằng nhiều phần quà giáng sinh như sách vở, áo ấm, thực phẩm và nhiều phần học bổng hỗ trợ các em học sinh khó khăn.
 
 Các thành viên CLB P&E tự tay trang trí Tết cho tịnh thất Linh Sơn 
  
Các em nhỏ đã được thưởng thức một bữa cơm ý nghĩa 
do chính tay các anh chị sinh viên UEF chuẩn bị
 
Đại diện CLB P&E gửi đến tịnh thất Linh Sơn những phần quà là các nhu yếu phẩm cho ngày Tết
 
Sinh viên UEF đã cùng nhau gửi đi thông điệp yêu thương 
để nhận lại những niềm vui, nụ cười hạnh phúc của ngày xuân

Những hoạt động ý nghĩa trên đã cho thấy được tinh thần thiện nguyện đáng quý của sinh viên UEF. Ngoài việc đầu tư cho việc học, sinh viên UEF còn hăng hái tham gia nhiều hoạt động xã hội nhằm rèn luyện cho bản thân những kỹ năng sống tích cực, vì cộng đồng sâu sắc. Các bạn không chỉ mang đến cho những hoàn cảnh khó khăn một mùa xuân trọn vẹn mà còn mang đến cho UEF không khí xuân ấm áp trước thềm năm mới.  
Thông tin chi tiết tại đây.

Tin: Trần Hà, Ảnh: CLB P&E