Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Có nên thi vào ngành tài chính ngân hàng?

* Em tên Huỳnh Thúc Định, năm tới định thi vào ngành tài chính - ngân hàng, tuy nhiên theo thực trạng hiện nay ngành này đào tạo khá nhiều, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp cao. Theo thầy, nhận định về ngành này như thế nào? Nguy cơ thất nghiệp ở khối ngành kinh tế ra sao? Em rất thích lĩnh vực này, mong thầy tư vấn giúp?
image
Thầy Trần Thế Hoàng tư vấn cho HS Tiền Giang năm 2012 - Ảnh: Như Hùng

- TS Trần Thế Hoàng: trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin, các bạn cũng thấy khá nhiều trường ĐH, CĐ mở ngành tài chính - ngân hàng. Việc mở ngành mới tại các trường được Bộ Giáo dục - đào tạo thẩm định và cho phép. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này trong thời điểm kinh tế toàn cầu suy giảm, dẫn đến cơ hội việc làm không cao như dự báo 5-7 năm trước đây, đặc biệt bị ảnh hưởng là các chuyên ngành ngân hàng, chứng khoán…

Theo tôi, khi nền kinh tế thế giới hồi phục và phát triển, nhu cầu ngành tài chính - ngân hàng vẫn khá cao, đặc biệt là trình độ ĐH, sau ĐH.

Nếu thích lĩnh vực này, em có thể chọn đăng ký dự thi, vì có thích thú, đam mê mới có thể học tốt, thực hiện các mục tiêu do mình đặt ra. Cơ hội việc làm sẽ mở rộng đối với người học nếu tốt nghiệp từ các trường có kinh nghiệm đào tạo, có đội ngũ giảng viên trình độ cao, được trang bị các kỹ năng cần thiết phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Trong ngành tài chính - ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ngoài ngân hàng, chứng khoán, còn có các chuyên ngành khác thu hút rất nhiều sinh viên giỏi đăng ký hằng năm như: tài chính doanh nghiệp, tài chính công, bảo hiểm… Năm 2011, 2012 trường tổ chức các lớp đào tạo chất lượng cao, trong đó sinh viên ngành tài chính - ngân hàng chiếm đa số và có kết quả học tập rất đáng phấn khởi.

Chúc em mạnh khỏe, học tốt, mạnh dạn đăng ký vào ngành mình yêu thích.

* Em đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Tuy đã vào đại học nhưng do đặc thù trường, năm nhất vẫn học đại cương, sau 3 học kỳ mới phân ngành. Trước đây thi vào kinh tế một phần là do ý kiến ba mẹ, một phần do em cũng không biết mình phù hợp với ngành nghề gì, thấy lực học phù hợp với điểm xét tuyển của trường nên thi.

Hiện em đang rất phân vân không biết mình có thể làm gì, học gì. Trải qua học kỳ đầu tiên em nhận ra mình không thích môn học nào cả. Đọc được chương trình tư vấn hướng nghiệp, em rất muốn tham gia nhưng không biết có được không và nếu được thì sẽ phải làm những gì, đi đến đâu, mong được tham gia chương trình để sau học kỳ này em có thể chọn được chuyên ngành phù hợp.


- TS Trần Thế Hoàng: Bạn có thể liên hệ phòng quản lý đào tạo - công tác sinh viên của trường, nêu nguyện vọng của mình trong vấn đề tham gia tư vấn tuyển sinh.

Đến bây giờ, nếu vẫn còn băn khoăn ngành đào tạo, bạn có thể liên hệ cố vấn học tập để được tư vấn. Ngoài ra, phòng công tác chính trị của trường hoặc trung tâm quan hệ doanh nghiệp - hỗ trợ sinh viên, hay phòng quản lý đào tạo - công tác sinh viên, các khoa… cũng là những địa chỉ để bạn xin ý kiến tư vấn về các ngành, chuyên ngành đào tạo.

Theo kế hoạch đào tạo của trường, trước khi sinh viên đăng ký chính thức vào ngành, chuyên ngành khóa 38 (năm thứ nhất), trường tập trung toàn bộ sinh viên để nghe giới thiệu các ngành và chuyên ngành đào tạo, quy định xét tuyển vào ngành để các bạn có nhiều thông tin trước khi quyết định đăng ký chính thức.

Chúc bạn bớt băn khoăn và có quyết định sáng suốt trong việc chọn lựa ngành học của mình.
PHÚC ĐIỀN ghi
Theo Tuổi Trẻ Online ngày 15/01/2013

Thí sinh e dè ngành kinh tế

Hơn 520 học sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) vừa có chuyến tham quan, tìm hiểu ngành nghề tại các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM.

Ở phần gặp gỡ đại diện các trường, một “rừng” cánh tay của học sinh đã giơ lên đưa ra những băn khoăn về ngành nghề mình sẽ chọn.

Có nên theo hay không?
Một học sinh lớp 10 mở đầu: “Tình hình kinh tế đang suy thoái. Báo chí nói ngân hàng không thưởng Tết nữa, chắc là do làm ăn không có lời. Như vậy, tụi em có nên theo ngành ngân hàng nữa hay không?”.

Câu hỏi thứ hai, bạn Phan Trọng Tín - học sinh lớp 12 chuyên hóa - khiến hội trường ồ lên khi bạn tìm hiểu rất kỹ và dẫn chứng số người trong ngành kinh tế thất nghiệp và cả việc Bộ GD-ĐT tạm dừng mở thêm một số ngành thuộc khối ngành kinh tế. “Nhiều người nói theo ngành kinh tế trong thời điểm này là lựa chọn... không phù hợp. Em băn khoăn quá” - Tín nói.

Trước khi trả lời, thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật, nhận định câu hỏi “có tính chất rộng”.

Thạc sĩ Dương tư vấn: “Các em có thể thấy bất cứ một nền kinh tế nào cũng có những chu kỳ phát triển, suy thoái. Đây là giai đoạn chúng ta đang ở ngưỡng suy thoái của một chu kỳ kinh tế. Khi qua giai đoạn này, nền kinh tế sẽ khôi phục và phát triển mạnh hơn. Hiện nay và trong những năm tới, ngành tài chính - ngân hàng đang hướng đến nhân lực có chất lượng cao hơn, có khả năng hội nhập tốt hơn và có thái độ nghề nghiệp chuyên nghiệp hơn”.

Thạc sĩ Dương nói thêm: “Các bạn có thể quan sát, phần lớn các nhà kinh tế học nổi tiếng đều phát sinh từ những giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Ở những giai đoạn này, các bạn có thể phân tích được những cú sốc, điểm khác biệt của nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn này, nếu bạn nào thật sự quan tâm đến khối ngành kinh tế, và nghĩ rằng năng lực thật sự của bản thân phù hợp căn cứ trên những nguồn thông tin đầy đủ, chính xác thì nên đi theo định hướng của mình chứ đừng vì kinh tế suy thoái mà đổi sang lĩnh vực khác”.

Bạn Trường An - cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, người dẫn chương trình cho buổi giao lưu - đã nhận được những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt từ các bạn học sinh khi nhắn nhủ: “Biết đâu, trong các bạn học sinh ngồi đây lại xuất hiện những nhà kinh tế giỏi khôi phục sự phát triển của nền kinh tế”.

Mạnh dạn chọn ngành yêu thích

Không chỉ băn khoăn của những bạn yêu thích ngành kinh tế của Trường THPT chuyên Tiền Giang, trong bốn chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2013 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT tổ chức tại Đồng Nai, Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, ban tư vấn lại nhận được câu hỏi về việc có nên theo ngành kinh tế hay không.

Trong chương trình tổ chức tại Gia Lai giữa tháng 1, một học sinh hỏi: “Có phải năm nay ngành kinh tế sẽ giảm chỉ tiêu và không tuyển sinh nữa hay không? Gần đây, ngành tài chính ngân hàng đang suy thoái, vậy theo ngành này có việc làm hay không?”. Tương tự, nhiều bạn khác tại các chương trình cũng bày tỏ “nguy cơ thất nghiệp của ngành kinh tế”.

Chia sẻ với bạn, TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bạn cũng thấy khá nhiều trường ĐH, CĐ mở ngành tài chính, ngân hàng. Việc mở ngành mới tại các trường được Bộ GD-ĐT thẩm định và cho phép. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này trong thời điểm kinh tế toàn cầu suy giảm, dẫn đến cơ hội việc làm không cao như dự báo 5-7 năm trước đó. Đặc biệt, các chuyên ngành ngân hàng, chứng khoán bị ảnh hưởng nhiều.

“Theo tôi, khi nền kinh tế thế giới phục hồi và phát triển, nhu cầu nhân lực tài chính - ngân hàng vẫn khá cao, đặc biệt là trình độ ĐH và sau ĐH. Nếu thích lĩnh vực này, em có thể chọn đăng ký dự thi. Em lưu ý rằng có thích thú, đam mê mới có thể học tốt, thực hiện được các mục tiêu của mình đặt ra. Cơ hội việc làm sẽ mở rộng với người học nếu tốt nghiệp từ các trường có kinh nghiệm đào tạo, đội ngũ giảng viên trình độ cao, được trang bị các kỹ năng cần thiết phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Trong ngành tài chính - ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ngoài ngân hàng, chứng khoán còn có các chuyên ngành khác thu hút nhiều sinh viên giỏi đăng ký như tài chính doanh nghiệp, tài chính công, bảo hiểm... Các em hãy mạnh dạn chọn ngành mình yêu thích” - thầy Trần Thế Hoàng nhắn nhủ.


Việc làm phụ thuộc vào năng lực bản thân

Tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 ở Đồng Nai, một học sinh Trường THPT Long Khánh đặt câu hỏi: “Ban tư vấn có thể cho em cái nhìn tổng quát về ngành tài chính, ngân hàng hiện nay?”. Th.S Lâm Tường Thoại (ĐH Quốc gia TP.HCM) tư vấn: “Tôi muốn cung cấp cho em tổng quát về phía nhu cầu xã hội. Hiện các ngân hàng đang sát nhập. Do đó, tình hình nhu cầu nhân lực tài chính, ngân hàng đang chững lại nhưng không có nghĩa là không tuyển thêm nhân lực của các ngành này. Với những trường đã đào tạo ngành này rồi thì không tăng thêm chỉ tiêu. Do đó, chỉ tiêu ngành này có thể sẽ bằng và ít hơn mọi năm. Tuy nhiên, các em lưu ý, xuất phát từ sự đam mê, hứng thú của mình thì vẫn dự thi. Tôi nhấn mạnh, nếu các em thật sự đam mê thì cố gắng hết sức vì không phải thi vào ngành này là không có việc làm. Có việc làm hay không phụ thuộc vào năng lực bản thân”.


H.B

Theo Tuổi Trẻ Online ngày 24/02/2013.


Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

UEF nhận lời mời tham dự triển lãm đầu tiên của EducationUS


Ngày 30/01/2013 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM (Đại học UEF) đã tham gia buổi triển lãm Các chương trình liên kết đào tạo Việt Nam – Hoa Kỳ do Trung tâm Tư vấn giáo dục Hoa Kỳ (EducationUSA) thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tổ chức. Buổi triển lãm nhằm giúp người tham dự tìm hiểu các chương trình đào tạo liên kết và các trường được Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp phép triển khai tại Việt Nam.

Tham gia buổi triển lãm, Đại học UEF đã giới thiệu chương trình liên kết đào tạo cấp bằng cử nhân Hoa Kỳ (2+2) với Đại học Missouri St. Louis (UMSL). Chương trình này đã thu hút được sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên đến tham dự. Lợi thế của chương trình liên kết đào tạo cấp bằng cử nhân Hoa Kỳ tại Đại học UEF là sinh viên sẽ tiết kiệm được ¾ học phí và sinh hoạt phí, được hỗ trợ tư vấn thủ tục chuyển tiếp và VISA, có cơ hội nhận học bổng hấp dẫn, thực tập và làm việc tại Hoa Kỳ.
Tư vấn về chương trình 2+2


ThS. Lê Quốc Thắng, phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo UEF trả lời phỏng vấn về chương trình 2+2


Một đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc

Chiều ngày 01/02/2013, tại Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (Đại học UEF) đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” do các giảng viên UEF thực hiện. 

 Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm có những giáo sư và các chuyên gia uy tín trong ngành như: NGND. GS. TS. Nguyễn Thanh Tuyền (Chủ tịch Hội đồng), TS. Tô Công Thành (Phó chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Tây Nam Bộ), TS. Nguyễn Vĩnh Hùng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá Đầu tư Sài Gòn Thái Dương), TS. Lê Chí Sỹ (Giám đốc chiến lược Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức)… 

 Báo cáo kết quả nghiên cứu trước hội đồng 

Hội đồng nghiệm thu đề tài đã đưa ra những ý kiến đóng góp, ưu điểm, tính công phu của đề tài, đánh giá cao nội dung nghiên cứu, sự nghiêm túc của nhóm tác giả và những đóng góp sáng tạo của đề tài trong lĩnh vực thẩm định giá và những mặt còn hạn chế của đề tài.

 Buổi nghiệm thu đề tài kết thúc tốt đẹp với kết quả đề tài nghiên cứu khoa học đạt loại xuất sắc.