Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Plus 3 Program 2013 với nhiều điều thú vị

Plus 3 Program là chương trình học mùa hè ở nước ngoài dành cho sinh viên năm nhất và năm hai của trường Đại học Pittsburgh – Hoa Kỳ (Pitt). Tại Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) được chọn là đối tác học thuật duy nhất của Pitt trong suốt 5 năm qua. Chương trình là cơ hội để sinh viên Pitt và UEF giao lưu, tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau về văn hóa, lịch sử, kinh tế và thực tập ngôn ngữ bên cạnh những hoạt động giao lưu ngoại khóa.

Năm nay, Plus 3 Program đã diễn ra từ ngày 13/05 đến 24/05/2013. Dẫn đầu đoàn (gồm 14 sinh viên Pitt và 1 trợ lý đoàn) là Giáo sư David Berman - người đã có rất nhiều kinh nghiệm với Plus 3 từ khi chương trình được triển khai. Các bạn sinh viên Pitt tham gia chương trình vô cùng háo hức với màn biểu diễn văn nghệ chào đón mang đậm nét sông nước miền Tây của các bạn sinh viên UEF.





Bên cạnh các hội thảo chuyên đề như Quy hoạch và phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh, Quy hoạch và phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long... các sinh viên của hai trường có thêm cơ hội tìm hiểu về văn hóa, xã hội, ngôn ngữ và con người Việt Nam thông qua lớp học chuyên đề lịch sử – văn hóa Việt Nam và học tiếng Việt. Và một phần hết sức sôi nổi là hoạt động thi đấu thể thao của sinh viên 2 trường với 2 môn là bóng đá và bóng rổ

Ngoài các giờ học và hoạt động tại UEF, sinh viên còn được tham quan các danh thắng ở TP. Hồ Chí Minh, Khu Di tích Địa đạo Củ Chi, Vũng Tàu để cùng trải nghiệm vẻ đẹp thực tế của đất nước Việt Nam. Điều đặc biệt là sinh viên được tham quan và tìm hiểu mô hình hoạt động kinh doanh của Saigon Newport Corporation (Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn), Phu My Hung Development Corporation (Cty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng), Kien A Corporation (Cty CP Kiến Á), Glass Egg Digital Media (Cty TNHH Quả Trứng Thủy Tinh), NaviBank (Ngân hàng TM CP Nam Việt)…



Lớp học tiếng Việt

Tham quan thực tế tại doanh nghiệp




Các hoạt động ngoại khóa



Giao lưu thể thao trong chương trình Plus 3 với ĐH Pittsburgh

Chương trình Plus 3 hàng năm tại UEF là cơ hội để sinh viên hai trường Đại học Pittsburgh (Pitt) và Đại học UEF giao lưu, tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau về văn hóa, lịch sử, kinh tế và thực tập ngôn ngữ bên cạnh những hoạt động giao lưu ngoại khóa. Năm nay, nằm trong chuỗi các hoạt động ngoại khóa của chương trình Plus 3, bên cạnh việc tham quan các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử tại TP.HCM như Khu Di tích Địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất, các doanh nghiệp lớn tại TPHCM, Vũng Tàu… sinh viên UEF và Pitt còn được tham gia giao lưu thể thao với hai môn bóng đá và bóng rổ tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ (Quận 10). Các hoạt động thể thao này nhằm giúp cho sinh viên của hai trường có thêm sân chơi giải trí bổ ích sau những giờ học đầy căng thẳng.


Các tuyển thủ bóng đá bắt tay giao lưu trước trận đấu


Và các tuyển thủ bóng rổ





Các tuyển thủ hai đội chụp ảnh lưu niệm

UEF cùng đối tác thắt chặt mối quan hệ

Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức trận bóng đá giao hữu vào ngày 26/05/2013 tại Sân 370 (Khu sân bay quân đội) nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược. Đây đồng thời cũng là sân chơi để các thành viên hai bên có thêm cơ hội giao lưu, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt nhọc.





Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Hứa hẹn một trận cầu sôi nổi

Nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức trận bóng đá giao hữu vào lúc 10 giờ 00, Chủ Nhật, ngày 26/05/2013 tại Sân 370, Khu sân bay quân đội (đường Cộng Hòa)

Lưu ý: Sau trận đấu sẽ có tiệc trưa thân mật nhằm giao lưu giữa các thành viên bóng đá và cổ động viên của 2 đơn vị.

Ban chấp hành Công đoàn rất mong quý Thầy, Cô, Anh, Chị tham dự để cổ vũ cho trận đấu thêm phần sôi động và hấp dẫn.

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Học ngành kinh tế có mạo hiểm?

Dư luận đang lên tiếng về sự dư thừa cử nhân kinh tế khiến người học có xu hướng “tháo chạy” khỏi nhóm ngành này. Tuy nhiên, nếu bản thân người học thích và có năng khiếu ở lĩnh vực này thì có nên mạo hiểm?

Cung vượt cầu

Số lượng thí sinh dự thi, chỉ tiêu tuyển sinh cũng như các cơ sở đào tạo các ngành nhóm ngành kinh doanh, kế toán - kiểm toán, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng lên hàng năm. Nếu như năm 2010, tổng chỉ tiêu tuyển sinh các nhóm ngành này là 18% với 112 cơ sở đào tạo, thì đến năm 2012, là 32% và 117 cơ sở đào tạo. Điều này dẫn đến cung vượt cầu, đồng thời, nhiều người tốt nghiệp các nhóm ngành này chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cụ thể, theo thống kê 416 trường (197 trường đại học, 219 trường cao đẳng) thì có 248 trường (121 trường đại học, 127 trường cao đẳng) tuyển sinh một trong bốn ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán, chiếm tỷ lệ 59,62% số trường.

Chỉ còn 76 trường đại học và 92 trường cao đẳng không tuyển sinh các ngành trên là các trường thuộc khối y dược, năng khiếu - nghệ thuật và một số trường sư phạm. Vì số trường có tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán chiếm tỷ lệ cao, nên tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi đại học - cao đẳng của thí sinh bình quân trong ba năm vào bốn ngành này chiếm xấp xỉ 41% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Những con số nói trên đang khiến người học hoang mang và có xu hướng “nói không” với nhóm ngành này. Có hai luồng ý kiến cho rằng người học không nên chọn nhóm ngành kinh tế vì sự bão hòa, suy thoái, khó trúng tuyển vì siết chỉ tiêu và khó kiếm vệc khi ra trường. Trái lại, các nhà tư vấn hướng nghiệp vẫn khuyên người học kiên trì với quyết định của mình nếu có ước mơ trở thành doanh nhân, phát triển công việc kinh doanh gia đình, có sở thích và năng khiếu về kinh tế... Vậy làm sao để dung hòa cả hai yếu tố vừa học ngành yêu thích vừa dễ kiếm việc làm khi ra trường? Tôi khuyên các bạn hãy nghe theo tiếng gọi của con tim và trí óc mình.

Đẳng cấp của sự khác biệt

Nhưng, khi bạn quyết định dấn thân theo con tim, bạn sẽ băn khoăn: “Ta có nên mạo hiểm?”. Thực tế không có gì là mạo hiểm cả. Bạn muốn tạo ra sự khác biệt thì trước hết phải là người có bản lĩnh, xác định ước mơ, phấn đấu và chịu trách nhiệm để thực hiện nó. Bạn có năng khiếu sở thích để làm trong lĩnh vực kinh tế, nếu bạn chọn lối khác thì sẽ lãng phí. Đơn giản như kinh tế khó khăn, nhà máy đóng cửa, nhân viên kinh doanh, kế toán... bị sa thải, thất nghiệp thì chắc chắn những ngành nghề khác như kỹ sư, công nhân... cũng không ngoại lệ.

Việc kinh tế suy thoái rồi tăng trưởng cứ lặp lại không có gì lạ. Nếu bây giờ bạn chọn học kinh tế thì 4-5 năm sau, nhu cầu nhân sự đã thay đổi. Khi kinh tế tăng trưởng trở lại, nhà đầu tư xây dựng xí nghiệp nhà máy thì bất kỳ công ty nào cũng cần đến nhân sự khối văn phòng hành chính, kế toán, kinh doanh...

Ngành nào cũng có sự cạnh tranh, bạn phải chấp nhận sự cạnh tranh, sàng lọc để có được môi trường làm việc tốt, lương cao. Thêm nữa, nhóm ngành kinh tế tuy có số thí sinh đăng ký dự thi cao nhất nhưng điểm thi trung bình của nhóm ngành này lại không cao. Theo thống kê của TS Lê Thị Thanh Mai, ĐH Quốc gia TP.HCM, các ngành như công nghệ thông tin, kinh doanh, kế toán - kiểm toán hay tài chính - ngân hàng - bảo hiểm chỉ có 29,7 - 44,2% thí sinh dự thi đạt từ điểm sàn trở lên, nằm trong top giữa nếu so sánh với các nhóm ngành khác.

Nói như vậy không có nghĩa là bạn cứ thích là đăng ký vào mà không cần nghĩ đến vấn đề “đầu ra”. Thực tế chứng minh đã có sự dư thừa nhân sự nhóm ngành kinh tế trong thời gian gần đây. Dù vậy, bạn cũng không nên sợ hãi bỏ chạy nếu bạn có tính cẩn thận, tỉ mỉ, thích liệt kê và nhạy bén với các con số thì ngành kế toán – kiểm toán là ưu tiên số một. Nếu bạn có khả năng giao tiếp, thuyết phục tốt, thích tiếp xúc làm việc với con người hơn máy móc thì có thể làm việc trong lĩnh vực tài chính - kinh doanh. Bạn có sự nhạy bén, thích nắm bắt cái mới thì thật uổng phí nếu không thử đến với nghề marketing... Vì vậy, vấn đề đầu tiên bạn cần xác định không phải là kinh tế 4-5 năm nữa lên hay xuống (vì bạn không phải là nhà chiến lược) mà là xác định năng lực, năng khiếu, tố chất bản thân bằng việc trắc nghiệm nghề nghiệp bản thân một cách nghiêm túc, tránh làm theo cảm tính.

Khi đã xác định lựa chọn con đường nhiều cạnh tranh thì phải chủ động, quyết tâm thực hiện. Vì chỉ tiêu khối ngành kinh tế đang bị “siết chặt” nên người học phải cẩn trọng có sự tính toán hợp lý để lựa chọn trường dự thi cho phù hợp. Học sinh cần thi thử, tính điểm nhiều lần để xác định năng lực đến đâu. Hiện nay, nhóm ngành kinh tế thường tuyển sinh bằng các khối A, A1, D... và có đa dạng loại hình đào tạo. Nếu kết quả thi thử trên 25 điểm, bạn có thể chọn dự thi vào ĐH Ngoại thương; trên 21 điểm, bạn có thể nghĩ đến ĐH Ngân hàng; ĐH Kinh tế thường chỉ dành cho những thí sinh đạt từ 19 điểm trở lên. Nếu kết quả học lực dao động từ 13-19 có thể vào các trường ĐH công lập như ĐH Tài chính Marketing, ĐH Sài Gòn, ĐH Tôn Đức Thắng và các trường ngoài công lập... Nếu dưới điểm sàn thì có thể chọn học cao đẳng, trung cấp hoặc các chương trình liên kết quốc tế... Nhìn chung, có rất nhiều con đường giúp bạn thực hiện và đi đến ước mơ.

Nếu bạn là cha mẹ, hãy cùng giúp con xem xét để ra quyết định đúng, tránh làm rối, tạo áp lực căng thẳng. Tôi xin mượn lời tỷ phú Warren Buffett - một trong những người giàu nhất thế giới để khuyên các em: “Nhà đầu tư thông minh là người biết sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi mọi người sợ hãi”.

ThS NGUYỄN VĂN THI   
(Giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM) 

Theo Phụ Nữ Online ngày 31/03/2013

Sự Chuẩn Bị Từ Giảng Đường Đến Công Sở - 2013

Nhằm giúp sinh viên năm thứ ba (khóa 2010) có được sự chuẩn bị tốt về thái độ, kiến thức và tâm thế làm việc chuyên nghiệp khi đến kiến tập tại các doanh nghiệp đồng thời có những định hướng đúng đắn cho sự phát triển nghề nghiệp của mình, trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM đã tổ chức chuỗi chương trình “Từ giảng đường đến công sở”, diễn ra từ ngày 15/04 đến 31/05/2013, gồm 06 buổi chuyên đề đặc thù dành riêng cho Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Kế toán – Kiểm toán và Khoa Tài chính – Kinh doanh tiền tệ.

Trong chuỗi chương trình, sinh viên không chỉ được gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm làm việc từ những nhà quản trị, sáng lập, điều hành doanh nghiệp mà còn được các vị khách mời tư vấn hoạch định nghề nghiệp và giải đáp những băn khoăn, lo lắng, trăn trở về việc làm thế nào để kiến tập tốt, làm việc hiệu quả, tạo được giá trị và tạo được ấn tượng tốt khi đi kiến tập, thực tập. Ngoài ra, các đơn vị tuyển dụng các bạn SV kiến tập cũng đến để gặp gỡ, trao đổi để SV có cái nhìn cụ thể hơn về sự khác nhau giữa giảng đường và công sở, làm sao để tỏa sáng và tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng khi đi kiến tập.

Đây là một trong những hoạt động thường niên diễn ra tại UEF giúp sinh viên vững bước trên con đường lập nghiệp.


Ông Hồ Văn Tuyên - CFO Tập đoàn Trung Nguyên Coffee
CEO Công ty Đầu tư Tài chính RIM, đang trình bày về Hoạch định nghề nghiệp



Bà Lê Thị Tường Vy - trưởng Khối Doanh nghiệp Standard Chartered Bank đang trình bày với sinh viên UEF


Ông Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc Viện Quản lý VIM
và ông Phạm Ngọc Hoàng Thanh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Smart Train trong chương trình



Ông Nguyễn Minh Luân – Giám đốc Kinh doanh VIM hướng dẫn SV cần chuẩn bị gì
để hòa nhập vào môi trường làm việc chuyên nghiệp



Ông Thẩm Văn Hương – Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp Phần mềm Phúc Hưng Thịnh
giới thiệu phần mềm quản lý ERP đến sinh viên Khoa QTKD và mô hình cấu trúc các công ty lớn



Đinh Trần Vũ An, SV UEF Khóa 2010, được nhận vào làm việc chính thức tại Ngân hàng Đông Á
sau thời gian thực tập trong chương trình “Giám đốc Kinh doanh tương lai”, đang chia sẻ kinh nghiệm

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Sinh viên UEF tiếp cận thực tiễn hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại

Ngày 26/4/2013 vừa qua, tại Trung tâm Thông tin Thư viện UEF (Cơ sở Tham Lương), Khoa Tài chính – Kinh doanh tiền tệ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quy trình thẩm định tín dụng: Từ lý thuyết bước ra thực tiễn” với các báo cáo viên là chuyên viên đến từ Ngân hàng Vietcombank và Sacombank. Buổi hội thảo này đặc biệt dành cho sinh viên năm thứ 3 ngành Tài chính – Ngân hàng nhằm giúp sinh viên nắm bắt tình hình thẩm định hồ sơ tín dụng thực tế tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, minh họa một cách sinh động cho những kiến thức mà học phần Quản trị ngân hàng thương mại đã được các giảng viên cung cấp trên giảng đường.

Đến tham dự và báo cáo tại hội thảo có các chuyên viên đến từ các ngân hàng như: Ông Nguyễn Ngọc Điệp – Phó giám đốc chi nhánh quận 3 ngân hàng Vietcombank, Bà Trần Thị Minh Tú – Phó trưởng phòng tín dụng chi nhánh quận 12 ngân hàng Sacombank, Ông Vũ Hùng – chuyên viên tín dụng ngân hàng Vietcombank, Ông Phạm Thanh Bình – Trưởng phòng giao dịch Thủ Đức – ngân hàng ACB. Ngoài ra, còn có các giảng viên, trợ giảng thuộc bộ môn Quản trị ngân hàng, khoa Tài chính – Kinh doanh tiền tệ.

Gần 200 sinh viên đã tham gia hội thảo, lắng nghe các vấn đề thực tế về: quy trình cấp tín dụng, đánh giá – xếp hạng tín dụng, quy trình thẩm định tín dụng tại các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, các bạn sinh viên đã sôi nổi tham gia trao đổi ý kiến, giải quyết các tình huống thực tế mà các báo cáo viên đặt ra. Nhiều ý kiến nổi bật đã được ban tổ chức trao quà thưởng nhằm khích lệ tinh thần học tập.

Buổi hội thảo đã kết nối lý thuyết giảng dạy trong nhà trường với thực tiễn thực hành tại các ngân hàng thương mại, góp phần trao dồi kỹ năng nghiệp vụ, chuẩn bị hành trang chuyên môn cho các bạn sinh viên đi kiến tập, thực tập cũng như làm việc sau này.

Dưới đây là một số hình ảnh của hội thảo:





Sinh viên UEF háo hức với Plus 3 Program

Plus 3 Program là chương trình học mùa hè ở nước ngoài dành cho sinh viên năm nhất và năm hai của Khoa Công nghệ (Engineering) và Khoa Kinh doanh (Business) của trường Đại học Pittsburgh – Hoa Kỳ (Pitt). Việt Nam là một trong bốn quốc gia (cùng với Đức, Chile và Trung Quốc) mà Pitt chọn để liên kết tổ chức Plus 3 và Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) được chọn là đối tác học thuật duy nhất của Pitt tại Việt Nam trong suốt 5 năm qua. Chương trình là cơ hội để sinh viên Pitt và UEF giao lưu, tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau về văn hóa, lịch sử, kinh tế và thực tập ngôn ngữ bên cạnh những hoạt động giao lưu ngoại khóa.




Năm 2013 này, Plus 3 Program sẽ diễn ra từ ngày 13/05 đến 24/05/2013 bao gồm chương trình học Lịch sử – Văn hóa Việt Nam, tiếng Việt, các hội thảo chuyên đề: Quy hoạch và phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh, Quy hoạch và phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long... Ngoài giờ học, sinh viên Pitt và UEF sẽ được tham quan các danh thắng ở TP. Hồ chí Minh, Khu Di tích Địa đạo Củ Chi, Vũng Tàu để hiểu thêm về con người và đất nước Việt Nam. Hơn thế nữa, sinh viên còn có cơ hội tìm hiểu mô hình hoạt động kinh doanh của Saigon Newport Corporation (Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn), Phu My Hung Development Corporation (Cty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng), Kien A Corporation (Cty CP Kiến Á), Glass Egg Digital Media (Cty TNHH Quả Trứng Thủy Tinh), NaviBank (Ngân hàng TM CP Nam Việt)…