Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Trường đại học tìm sự gắn kết với các DN

Ngày hội nhân sự Việt Nam (Vietnam HR Day) sẽ diễn ra vào ngày 21/10/2012 tại Trung tâm hội nghị White Palace, TP HCM với chủ đề “Chất lượng lãnh đạo doanh nghiệp Việt” là một diễn đàn mở bàn về chủ đề nhân sự lớn nhất tại VN.
 
Tiến sỹ Dương Tấn Diệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM
Đây cũng là diễn đàn nhân sự thường niên cho các nhà lãnh đạo DN cùng giới nhân sự VN. Vietnam HR Day là nơi quy tụ hàng nghìn các doanh nhân, giám đốc, chuyên gia kinh tế, cùng các giám đốc, chuyên viên, nhân viên quản lý nhân sự đến từ khắp các Cty trong và ngoài nước. Trước thềm sự kiện trọng đại này, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Dương Tấn Diệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM (UEF), đơn vị đồng tài trợ cho sự kiện này.
Thưa tiến sỹ, được biết Vietnam HR Day 2012 là sân chơi dành cho những nhà lãnh đạo DN cùng giới nhân sự VN, hầu như không liên quan nhiều tới trường đại học. Vậy tại sao UEF lại tham gia tài trợ cho sự kiện này?
TS Diệp: Tại Ngày Hội nhân sự năm ngoái tôi đã tham gia với vai trò là khách mời. Nhận thấy ý tưởng tổ chức ngày hội khá hay, thoạt nhìn thì tưởng chừng như chỉ liên quan đến các doanh nghiệp, nhưng thực ra nó rất có ý nghĩa đối với các trường đại học và kể cả đối với sinh viên.
Như chúng ta biết, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đóng vai trò quyết định cho sự thành công của một tổ chức, một DN. Việc tổ chức ngày hội dành cho những người làm công tác nhân sự sẽ là một sự kiện khơi dậy sự quan tâm đúng mức đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, không chỉ hữu ích đối với từng doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với toàn xã hội. Đây không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm, nơi trao đổi về những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà đặc biệt còn là nơi kết nối để tạo lập các mối quan hệ về sau. Các trường đại học có thể tìm thấy nhiều thông tin bổ ích từ tiếng nói của cộng đồng nhân sự đến từ các doanh nghiệp – nơi sẽ tuyển dụng những sản phẩm đào tạo của nhà trường.
Nhìn thấy những lợi ích thiết thực như thế nên Trường Đại học UEF tham gia tài trợ với mong muốn được góp phần cùng ban tổ chức tạo sự thành công cho ngày hội sắp tới.
Lần đầu tiên tham gia một chương trình lớn của DN, mục tiêu đặt ra của UEF là gì?
TS Diệp: UEF là một trường đại học cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, trong đó chúng tôi đặc biệt chú trọng chiến lược đào tạo gắn kết với thực tiễn. Để thực hiện thành công chiến lược này, cần có sự kết nối chặt chẽ với các DN. Vì vậy, khi tham gia Ngày Hội nhân sự, ngoài mục tiêu trao đổi kinh nghiệm cùng các nhà quản lý, chuyên gia giỏi,… chúng tôi còn muốn được lắng nghe những yêu cầu từ phía DN đặt ra đối với nguồn nhân lực tuyển dụng, để từ đó nhà trường có định hướng đào tạo thích hợp. Đồng thời, mục tiêu quan trọng hơn cả là Trường Đại học UEF muốn mở rộng sự liên kết, hợp tác với các DN, doanh nhân, nhà quản lý để cùng đồng hành với nhà trường trong chiến lược đào tạo gắn kết với thực tiễn mà chúng tôi đang triển khai. Tôi cũng hy vọng là sau ngày hội sắp tới, Đại học UEF sẽ có thêm nhiều đối tác mới.
Vậy tham gia Ngày hội nhân sự lần này, ở góc độ ngành giáo dục, UEF muốn chia sẻ điều gì?
TS Diệp: Là một trường đại học, chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong tương lai, đứng từ góc nhìn của những người thực hiện chức năng đào tạo.
Chúng ta biết xã hội ngày nay thay đổi rất nhanh, sự biến động kinh tế vẫn luôn tiềm ẩn và bất ổn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, áp lực cạnh tranh ngày càng cao. Trong hoàn cảnh đó, một DN sẽ khó có sự thành công lớn nếu thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Ngược lại, các trường đại học cũng đang bị thách thức bởi những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở thế kỷ 21 này đang có những thay đổi rất sâu sắc. Sẽ khó đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng tốt những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động nếu các trường đại học hoàn toàn tách rời DN, tách rời nơi sử dụng lao động.
Vì vậy, tốt nhất là cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với DN, với nơi sử dụng lao động, sao cho vừa có thể mang kinh nghiệm thực tiễn vào cho sinh viên, vừa có thể dẫn dắt sinh viên ra thực tế ngay trong quá trình học tập tại trường. Có như vậy mới có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách lý thuyết và thực tiễn, nhanh chóng tạo dựng được nguồn lực chất lượng cao cho tương lai.
Xin chân thành cám ơn TS về sự chia sẻ thú vị này!
N.Thành thực hiện
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp