Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Tuyển sinh 2015: Không thi Đại học, vẫn có thể vào Đại học

Chiều 27/5/2015, đại diện trường Đại học Kinh tế  - Tài chính TP.HCM (UEF), ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông đã tham dự chương trình truyền hình trực tuyến do báo Thanh Niên tổ chức với chủ đề “Không thi Đại học, vẫn có thể vào Đại học”.
Ngoài ra, chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia đến từ các trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, học sinh Trường THPT Trí Đức TP.HCM.
Xoay quanh chủ đề “Không thi đại học, vẫn có thể vào đại học”, buổi tư vấn đã giúp thí sinh có điều kiện tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) có đề án tuyển sinh riêng, xét tuyển vào đại học kết hợp kết quả thi THPT quốc gia và học bạ THPT.
 
Các vị khách mời tham gia chương trình tư vấn trực tuyến

Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân cho biết: Năm nay, khi kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên tổ chức nhằm 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét vào ĐH, CĐ và với số lượng các trường có đề án tuyển sinh riêng tăng lên đến gần 200 thì việc thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT, đạt những điều kiện theo yêu cầu trong đề án tuyển sinh của các trường, có cơ hội học ĐH ngày càng rộng mở.
 
Học sinh Trường THPT Trí Đức (TP.HCM) tham gia chương trình

Chia sẻ về đề án tuyển sinh riêng của trường, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn-tuyển sinh-truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết: Năm 2014, trường bắt đầu tuyển sinh riêng, năm nay trường vẫn tiếp tục phương án này. Điều kiện là các em phải tốt nghiệp THPT hoặc tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Đối với các ngành năng khiếu như kiến trúc, thiết kế thời trang…, các em phải thi vẽ, các em chọn các môn toán, lý, vẽ (vẽ thi riêng tại trường), hoặc các em có thể thi vẽ tại các trường khác để dùng điểm xét tuyển vào trường.
 
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn-tuyển sinh-truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
 
Thạc sĩ Lâm Thanh Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết trường cũng thực hiện đề án tuyển sinh riêng. Điều kiện là học sinh phải tốt nghiệp THPT, học sinh có thể tìm hiểu thêm tại website của trường.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Năm nay trường cũng xét tuyển theo hai phương thức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng phương thức xét tuyển theo học bạ chiếm khoảng 30% tổng chi tiêu của trường. Các em có thể nộp hồ sơ trực tiếp ở trường hoặc xét tuyển trực tuyến trên trang web của trường.


Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm TV-TS-TT
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM

 
- Thạc sĩ Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến: Năm nay ĐH Văn Hiến có 3 hình thức tuyển sinh: xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét điểm học bạ và kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển ngành năng khiếu. Ở hình thức xét tuyển học bạ, sẽ xét theo tổ hợp môn của ngành, ở 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12, điểm tối thiểu là 18 đối với ĐH và 16,5 đối với CĐ.

Thạc sĩ Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến

* Nếu như em đăng ký vào trường có liên kết với trường nước ngoài thì khi xét tuyển điểm Anh văn phải cao hơn hay không?
- Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn-tuyển sinh-truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: với chương trình trình liên kết của trường, các em không cần phải trình độ ngoại ngữ ban đầu quá cao. Trong học kỳ đầu tiên trường sẽ đào tạo các em về tiếng Anh. Năm cuối cùng, các em có thể học tại Việt Nam do giảng viên bản xứ dạy hoặc đi du học ở Mỹ 1 năm.
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân: Nếu trình độ tiếng Anh của em yếu thì không nên học chương trình liên kết bởi các em học bằng tiếng Anh. Về nhiệm vụ của trường, sẽ có đào tạo các em về tiếng Anh. Với chương trình liên kết, khối lượng học tiếng Anh gấp đôi các chương trình khác.
- Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM: Các em phải có vốn ngoại ngữ khá trở lên bởi không có sẽ rất khó theo học chương trình.

Toàn cảnh buổi tư vấn truyền hình
 
* Học sinh tại hội trường hỏi: Giá trị bằng cấp sau khi tốt nghiệp của thí sinh đậu bằng phương thức  xét tuyển học bạ có khác so với thí sinh đậu bằng cách xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia hay không?
 - Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn-tuyển sinh-truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Ở tất cả các trường ĐH, CĐ, thí sinh đậu thông qua 2 hình thức xét tuyển này đều vào học cùng một chương trình đào tạo như nhau, giáo trình như nhau. Khi ra trường các em đều được cấp bằng tốt nghiệp có giá trị như nhau.
 Lý do là vì mỗi hình thức đều có một tiêu chuẩn đầu vào nhất định đảm bảo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Những hình thức này được các trường thực hiện nhằm giúp thí sinh có nhiều cơ hội vào ĐH, chứ bằng tốt nghiệp không thể hiện cách mà các em thi vào trường.
* Nhiều học sinh hỏi về điều kiện tuyển sinh của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Thưa Thầy sức học của em chỉ đạt ở mức trung bình. Với sức học đó, cơ hội trúng tuyển vào trường có cao không? (Hoàng Minh Quốc, Long An).
 * Nếu không may em không trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, thầy tư vấn cho em cơ hội để được học ngành kế toán của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. (Bùi Quốc Huy, Tiền Giang).
* Xin Thầy cho em hỏi chỉ tiêu xét tuyển học bạ của Trường ĐH Công nghệ là bao nhiêu? (Cao Thanh Long, Bến Tre).
 - Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn-tuyển sinh-truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Nếu sức học trung bình, các em cũng phải đạt điều kiện là tốt nghiệp THPT. Cơ hội trúng tuyển vào trường sẽ cao hơn với đợt 1 từ nay đến ngày 30.7. Các em có thể đăng ký tuyển sinh trực tuyến trên website của trường. Ngành kế toán của trường xét tuyển 4 tổ hợp môn (tham khảo thêm website của trường). Về chỉ tiêu xét tuyển học bạ, trường dành 30% tổng chỉ tiêu.
* Em là một học sinh khá, 3 năm cấp ba em đều đạt loại khá, khả năng em học tốt 3 môn toán, văn, Anh nhưng hóa, lý thì em học trung bình. Em đăng ký học ngành tài chính ngân hàng. Vậy với điều kiện xét tuyển tốt nghiệp THPT kết hợp với học bạ, em có khả năng đậu cao không? Nếu trúng tuyển em cần rèn luyện thêm những gì khi học ngành tài chính. (Nguyễn Trung Dũng, Bình Dương)
* Ngành Quản trị kinh doanh của trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM năm nay lấy bao nhiêu chỉ tiêu? Ngành này trường có xét tuyển học bạ của học sinh không? Điều kiện xét tuyển như thế nào? Mong thầy Nguyên tư vấn giúp em. Em cảm ơn thầy! (Đặng Văn Hiền, Hà Nội)
* Thế mạnh của trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM là gì? Ngành học nào của trường được cho là “hot”nhất, điều kiện ra trường và kiếm việc làm của ngành này hiện nay ra sao? Những ngành “hot” trường có xét tuyển riêng không? (Cao Văn Tuấn, TP.HCM)
* Em muốn đăng ký học ngành tiếng Anh quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM thì em cần xét tuyển những môn nào? Ngoài phải học tốt Anh văn thì cần học tốt những môn nào để có thể thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào trường. (Ngô Quý Phước, Đà Nẵng)
- Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Thí sinh nên tranh thủ làm hồ sơ học bạ để tranh cơ hội trúng tuyển cho mình trong thời gian chờ đợi thi THPT quốc gia. Tất cả các ngành đều có tổ hợp môn toán, văn, tiếng Anh nên đây là lợi thế của em. Em chỉ cần tốt nghiệp THPT thì đều có thể xét vào các ngành với cơ hội đậu cao.
Để học ngành tài chính ngân hàng, các em cần có tố chất như yêu thích tính toán, con số, có trí nhớ tốt, là ngành đặc thù nên phải có sự nhạy bén trong xử lý công việc trong vấn đề tài chính. Ngoài chuyên môn giỏi thì các em cần có kỹ năng tốt và tiếng Anh để hội nhập.
Ngành quản trị kinh doanh năm nay trường xét 300 chỉ tiêu. Em có thể xét tuyển theo học bạ, với điểm trung bình 3 năm cấp ba từng môn trong tổ hợp môn xét tuyển đạt 6.0 điểm trở lên đối với bậc ĐH và 5.5 điểm đối với bậc CĐ.
Từ khi thành lập tới nay, thế mạnh của trường là đào tạo khối ngành kinh tế, tuy nhiên bên cạnh đó trường còn đào tạo thêm 2 ngành mới là luật kinh tế, ngôn ngữ Anh. Các em sẽ được học trong môi trường học tập quốc tế, sĩ số mỗi lớp chỉ từ 30, 35, 40 sinh viên tùy vào từng ngành.
Các em nên hiểu, không có ngành “hot” nhất mà chỉ có người “hot”. Vì ngành nào mà các em thực sự nổi bật thì sẽ đều trở thành “hot”. Ngành ngôn ngữ Anh tại trường có 3 chuyên ngành: tiếng Anh thương mại, biên phiên dịch và quan hệ quốc tế. Xét tuyển bằng 2 hình thức xét tuyển học bạ và xét điểm thi THPT quốc gia.
Khép lại chương trình, thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn-tuyển sinh-truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM  đã chia sẻ bí quyết xét tuyển học bạ đạt hiệu quả nhất: Có ba điểm cần lưu ý là các em nên đăng ký ở đợt sớm nhất. Các em đừng chần chừ chờ trúng tuyển kì thi quốc gia mới nộp hồ xét tuyển. Các em nên chọn tổ hợp môn mà mình đạt điểm cao nhất. Cuối cùng, các em có thể đăng ký vào nhiều ngành chứ không nên nộp một ngành, để không được ngành này thì được ngành khác.
Được biết, vào ngày 3/6/2015 tới đây, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến sẽ tiếp tục diễn ra với chủ đề “Tiếp sức mùa thi”, khách mời là đại diện Bộ GD-ĐT, Hội Sinh viên VN, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên của 2 cụm thi lớn nhất nước Hà Nội và TP.HCM.

 
Trần Hà (tổng hợp)