Chúng tôi, những thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được sự dìu dắt tận tình của thầy Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán TPHCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM nên mỗi khi có dịp họp mặt, nhắc đến thầy, ai cũng tỏ lòng kính trọng và cảm mến sâu sắc về nhân cách, đức độ, tài năng của thầy. Những học trò của thầy, phần lớn đã thành đạt trên mọi cương vị công tác. Một số người nay đã đảm nhiệm những vị trí quan trọng ở các cơ quan trung ương và địa phương.
Thầy Nguyễn Thanh Tuyền sinh ra tại Trà Vinh, trưởng thành qua sự đùm bọc của đồng bào miền Bắc ruột thịt. Bởi vậy, dường như thầy đã chắt lọc được những tinh túy nhất của ba miền trong hình thành tính cách của mình.
Năm 1971, thầy được cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ) và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ kinh tế vào đầu năm 1976. Cũng như tất cả những người con miền Nam học tập ở Liên Xô, tin vui đất nước hoàn toàn giải phóng đã thôi thúc thầy mong muốn sớm được trở về quê hương để cống hiến. Rồi ước mơ đó thành hiện thực.
Ngay sau đó, thầy quyến luyến giã từ mái Trường ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội thân yêu, nơi thầy học tập và giảng dạy để nhận nhiệm vụ mới. Thầy và một số đồng nghiệp được cử về xây dựng Trường ĐH Tài chính - Kế toán TPHCM. Lúc bấy giờ, thầy còn trẻ, đầy nhiệt huyết và sẵn sàng nhận tất cả những nhiệm vụ khó khăn. Đồng nghiệp đều nhận thấy ở thầy tư chất của một người sẽ thành đạt trong tương lai.
Thật vậy, 6 năm sau, thầy là phó hiệu trưởng và hơn 10 năm sau, thầy là Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán TPHCM. Đến năm 1996, thầy trở thành Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM (sáp nhập Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Tài chính - Kế toán TPHCM và Khoa Kinh tế Trường ĐH Tổng hợp TPHCM).
Ở thời điểm nhạy cảm đó, không thể không nảy sinh những quyền lợi cục bộ nhưng phức tạp, những tâm tư tình cảm “trắc ẩn” dễ gây mất ổn định. Với thái độ bình tĩnh, công tâm, kiên quyết nhưng ôn hòa và nhạy bén, thầy thuyết phục giáo chức và nhân viên bằng phương châm “ổn định để phát triển và phát triển cao hơn”. Đồng thời với bản lĩnh và đức độ, với tấm lòng không vì mối lợi riêng tư; cùng sự chân tình, khéo léo, chỉ sau một thời gian ngắn, trường đã đi vào hoạt động ổn định với sức thuyết phục và sự đồng cảm của cả một tập thể.
Thầy thường nói nghề giáo như một định mệnh của cuộc đời bởi từ nhỏ chưa bao giờ thầy nghĩ đến nó. Từ thời niên thiếu, thầy luôn thích những nơi nhiều thử thách, gian nan. Trong kháng chiến chống Mỹ, thầy chỉ mong được đi B, trở về quê hương chiến đấu. Vì vậy, khi còn là học sinh miền Nam và mới học hết lớp 7 (cấp II), thầy xin vào trường công an (C500 Hà Đông) nhưng không được. Tốt nghiệp phổ thông (lớp 10), thầy xin vào học Trường Trung cấp Hàng hải (Hải Phòng) với mong muốn được theo đường Hồ Chí Minh trên biển về Nam trực tiếp tham gia chiến đấu. Mong muốn này cũng không thành. Dù vậy, thầy vẫn không từ bỏ ý nguyện được về Nam chiến đấu của mình.
Sau đó rất nhiều lần, đích thân thầy đã tìm đến những cán bộ lãnh đạo của Ban Thống nhất Trung ương trình bày nguyện vọng. Nhưng rồi lần nào cũng vậy, thầy chỉ nhận được những lời khuyên là học tập ở miền Bắc cũng là để xây dựng miền Nam mai sau. Thế rồi, ngay sau khi tốt nghiệp loại giỏi khóa đầu tiên Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán - Ngân hàng Trung ương (tiền thân ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội, nay là Học viện Tài chính), thầy được yêu cầu ở lại trường để làm giáo viên. Và từ đó, thầy gắn bó, nỗ lực và tận tụy hết lòng với sứ mạng của một người thầy.
Là nhà giáo tâm huyết và có năng lực thật sự, thầy vừa tạo được uy tín sâu rộng trong đồng nghiệp về năng lực chuyên môn, vừa thể hiện rất tốt vai trò của người lãnh đạo. Trong các hội thảo và tranh luận khoa học, ý kiến của thầy luôn có sức thuyết phục cao bởi tư duy khoa học khá chuẩn mực. Trong công tác lãnh đạo, thầy vừa có tầm nhìn sâu rộng nhưng cũng vừa rất sâu sát trong “tác nghiệp”. Các bài phát biểu của thầy trước mọi người đều do thầy tự tay soạn thảo bởi thầy không thích lối mòn, sách vở, phô trương mà thích sự đơn giản, gần gũi. Nhiều đồng nghiệp nhận xét có những vấn đề học thuật và thực tiễn hết sức khô khan nhưng các phát biểu của thầy đều vẫn rất đặc biệt bởi có sức truyền cảm sâu lắng.
Thầy Nguyễn Thanh Tuyền (hàng ngồi, bìa trái) cùng các thành viên Hội đồng học hàm giáo sư liên ngành kinh tế - luật
Thầy là người có tấm lòng nhân ái và trắc ẩn. Trong công tác xã hội nhân đạo, với những đề xuất của thầy, Trường ĐH Tài chính - Kế toán và sau này là Trường ĐH Kinh tế TPHCM là trường đầu tiên tại TP xây dựng 30 nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thầy trực tiếp dẫn các đoàn tham gia hỗ trợ tích cực đồng bào bị lũ lụt ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam… và đóng góp hỗ trợ các em bị nhiễm chất độc da cam ở Thái Bình. Thầy cũng luôn cảm thông với sinh viên nghèo.
Mỗi khi đọc báo biết được những sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TPHCM có hoàn cảnh khó khăn, thầy đều bàn bạc, tìm cách giúp đỡ bằng việc miễn hoặc giảm học phí cho các em. Đôi lần có những sinh viên nghèo, xin miễn học phí nhưng do không thể vận dụng được bởi quy chế, thầy đã tự bỏ tiền túi ra giúp đỡ và khuyên các em cố gắng vượt khó theo học đến cùng. Thầy nhiều lần tận tình, chân thành và hết lòng gợi mở, tạo cơ hội cho nhiều cựu sinh viên cũng như học viên cao học, nghiên cứu sinh có điều kiện thành đạt trong sự nghiệp.
Năng lực và uy tín khoa học, giảng dạy của thầy đã giúp thầy hoàn thành 12 quyển sách giáo trình, chuyên khảo và tham khảo, chủ nhiệm 2 đề tài cấp nhà nước được đánh giá xuất sắc và tham gia với tư cách cố vấn 2 đề tài cấp nhà nước cũng với kết quả như trên. Thầy còn có 7 đề tài cấp bộ, trên 70 bài báo đăng tải ở các tạp chí trong và ngoài nước cũng như trong các cuộc hội thảo lớn có uy tín. Sau 40 năm dạy học, thầy đã hướng dẫn bảo vệ thành công 32 học vị tiến sĩ, hàng trăm luận văn thạc sĩ.
Hầu như mọi đồng nghiệp đều có nhận xét chung: thầy là người lặng lẽ vun đắp cho mầm xanh. Thầy là mẫu người làm nhiều và làm hết mình nhưng ít nói về mình và được đồng nghiệp tín nhiệm.
Thầy sống đức độ và công tâm. Chính vì vậy, thầy cũng thường nhắc nhở đồng nghiệp: “Giá trị đạo đức và công tâm là một năng lực đặc biệt”. Với sự cống hiến của mình cho sự nghiệp giáo dục, năm 1991 thầy được công nhận học hàm phó giáo sư, năm 1996 được phong hàm giáo sư ngành kinh tế và năm 2006 được phong tặng Nhà giáo nhân dân. Năm 2001, thầy được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, ngoài ra còn có các huy hiệu về sự nghiệp giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính, sự nghiệp công đoàn, vì thế hệ trẻ, ngành tổ chức…
Hơn 40 năm gắn bó hết lòng với sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy, thầy đã để lại trong lòng của tất cả chúng tôi những ấn tượng sâu sắc khó phai như một nhân cách lớn của một người thầy mẫu mực suốt đời không ngừng nỗ lực lao động sáng tạo, cống hiến tận tụy thầm lặng. Từ chỗ không hề lựa chọn cho mình nghiệp làm thầy, thầy đã nguyện suốt đời gắn bó với sự nghiệp trồng người. Chính vì vậy, sau khi rời ĐH Kinh tế TPHCM, thầy lại tiếp tục gắn bó và trải qua các vị trí trọng trách ở các trường ĐH Tây Đô - Cần Thơ, rồi Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM. Với uy tín, đức độ, năng lực của thầy, một số trường ngoài công lập cũng ngỏ ý mời thầy cộng tác.
Chúng tôi nghĩ rằng, những danh hiệu cao quý trên, chỉ là sự ghi nhận một phần nhỏ nào đó trong cuộc đời và sự nghiệp cống hiến thầm lặng của thầy. Điều mà thầy đã đem lại ấn tượng sâu sắc cho đồng nghiệp, gia đình và bao thế hệ sinh viên là tài năng, đức độ, nhân cách, trách nhiệm, chân tình và sự đồng cảm… Bài học ấy không có tấm huy chương huy hiệu nào có thể sánh được.
Tác giả: TS NGUYỄN HUỲNH THANH - TS NGUYỄN HỮU THẢO
Nguồn: SGGP Online